Thay đổi là đối sách sống còn
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cùng với chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, thị trường Điện toán đám mây tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng và được thể hiện tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN Phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, học máy... trong hoạt động ngân hàng.
Theo McKinsey – Công ty tư vấn hàng đầu thế giới, 70% ngân hàng trên thế giới đang xem xét lại nền tảng ngân hàng lõi của họ, bắt đầu tận dụng tiềm năng của điện toán đám mây và các dịch vụ mà các công ty Fintech cung cấp.
“Trong kỷ nguyên “đám mây”, thay đổi là đối sách sống còn của các ngân hàng, song để thay đổi một cách toàn diện đồng bộ cần có hành lang pháp lý thật cụ thể cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các vòng bảo vệ an ninh mạng và lựa chọn nhà cung cấp tin cậy, giám sát chéo giữa các đối tác, tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn và quy định của các bên nhằm đảm bảo hiệu quả nhất cho việc bảo vệ dữ liệu trên đám mây, giúp các ngân hàng yên tâm chuyển đổi số”, Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh và cho biết thêm: "Do đó, Hiệp hội phối hợp với Tập đoàn Oracle tổ chức Hội thảo nhằm cung cấp cho các tổ chức hội viên thêm thông tin về xu hướng phối hợp ngân hàng và fintech trong kỷ nguyên đám mây, cũng như dịch vụ đám mây của Tập đoàn Oracle - một trong các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây uy tín hiện nay".
Điện toán đám mây là công nghệ quan trọng
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đỗ Thị Hương Trà, chuyên gia quản lý cấp cao Cloud của Oracle tại Việt Nam cho rằng, thế giới ngày càng nhiều thay đổi và biến động, chính những biến động này tạo động lực để các doanh nghiệp trong ngành tài chính chuyển đổi số mạnh mẽ. Những năm qua đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong hoạt động ngành tài chính - ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính - Fintech. Những dịch vụ truyền thống dần dần thay đổi bằng dịch vụ mới để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Để đạt được điều đó công nghệ là một trong những yếu tố then chốt trong ngành tài chính ngân hàng. Điện toán đám mây là công nghệ quan trọng nhất trong thời đại hiện nay.
Ông Srikanthu Gonuguntla, Giám đốc Giải pháp OCI, FSI, JAPAC cho biết, có nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Oracle tại Việt Nam bao gồm các ngân hàng, các ví điện tử và các công ty Fintech khác. Điện toán đám mây giúp các công ty giúp ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí, kiểm soát gian lận, phân tích dữ liệu đã đưa ra đánh giá tổng quan, từ đó phát triển sản phẩm. Doanh nghiệp có thể lựa chọn ứng dụng ở nhiều tầng nấc.
Theo đó, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây cho phép các ngân hàng ngày càng tập trung vào khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Các giải pháp đám mây tạo ra mối quan hệ đa kênh với khách hàng trên tất cả dịch vụ và cho phép lưu trữ, sao lưu và phục hồi hệ dữ liệu khổng lồ được sản sinh trong mỗi giờ. Không chỉ lưu trữ dữ liệu, nhiều dịch vụ khác như cung cấp phần mềm, chuyển giao, cập nhật và khôi phục dữ liệu cũng rất dễ dàng. Ngoài ra với ưu điểm nổi bật là hiệu quả vượt trội về chi phí, công nghệ đám mây sẽ giúp các đơn vị gia tăng thêm doanh thu.
Cơ hội và thách thức cho Fintech Trao đổi về thực trạng phát triển Fintech tại Việt Nam, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho biết, theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng, trong 5 năm qua, các giao dịch về Internet Banking trên máy tính tăng trưởng gần gấp 3 lần, giá trị tăng 3,5 lần. Với sự bùng nổ của Mobile Bank, số lượng giao dịch tăng gấp 10 lần và giá trị giao dịch tăng gấp 30 lần. Đây là lĩnh vực tăng trưởng “nóng nhất” trong lĩnh vực ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, 63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh của Internet Banking và Mobile Banking, các giao dịch thông qua Mobile Banking có số lượng giao dịch tăng 83%, giá trị tăng 115%. Trước xu hướng gia tăng giao dịch trên Mobile Banking, các ngân hàng đã tập trung phát triển mảng này và ngân hàng số. Hình thức chuyển khoản nhanh 24/7 bằng Mobile Banking trở thành hình thức thanh toán giao dịch rất phổ biến mà không cần quảng cáo phổ biến nhiều. Trong lĩnh vực Fintech, thị trường ước tính có khoảng 120 start up Fintech còn hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp, bảo hiểm, regtech, chợ tài chính, đánh giá tín nhiệm tiêu dùng, kinh doanh dữ liệu khách hàng… Dịch bệnh COVID-19 thúc đẩy thanh toán điện tử, các hình thức như cổng thanh toán thanh toán tăng 47% về số lượng, tăng 43% về giá trị giao dịch, ví điện tử tăng 85% về số lượng, tăng 92% về giá trị, hình thức thu hộ chi hộ tăng 47% về số lượng, tăng 78% về giá trị, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền tăng 96% về số lượng, tăng 17% về giá trị. Theo số lượng từ Chi hội thẻ thuộc Hiệp hội Ngân hàng, số lượng thẻ đang lưu hành hiện tại là 110 triệu thẻ trên 90 triệu dân, số lượng giao dịch thẻ trong nửa đầu năm 2021 là 112 tỷ USD, trong đó giao dịch thanh toán là 53 tỷ USD, giao dịch rút tiền mặt chỉ còn 59 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech đây là cơ hội rất lớn cho các công ty Fintech tại Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty Fintech cũng phải đối mặt với nhiều thách thức chẳng hạn, đặc thù của sản phẩm ví điện tử là phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Chưa kể, các ví sẽ phải tính toán chi phí, ngoài giá vốn còn phải tính đến phí trả cho ngân hàng, tăng phí thì không cạnh tranh được với thẻ ngân hàng và ứng dụng Mobile Banking. Về lĩnh vực cho vay, các công ty đối mặt với nhiều thách thức, trước hết là hoạt động cho vay của các ngân hàng và các công ty tài chính, tiếp đó là vấn đề thiếu thông tin và dữ liệu của khách hàng, không có cơ sở đánh giá tín nhiệm khả năng trả nợ. Cùng với đó là tình trạng thiếu hành lang pháp lý cho các đơn vị cho vay không phải là ngân hàng và công ty tài chính dẫn đến rủi ro nợ xấu cao, chi phí tăng, mô hình kinh tế không còn hấp dẫn. Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, bên cạnh những khó khăn thách thức các công ty Fintech vẫn có cơ hội để phát triển bằng cách đầu tư vào thị trường ngách, phối hợp ngân hàng và Fintech trong kỷ nguyên đám mây. Chẳng hạn các start up Fintech có thể trở thành cổng kết nối cho các nhà phát hành các giải pháp thanh toán như ngân hàng. Hoặc trong lĩnh vực cho vay, các công ty Fintech có thể tìm thị trường ngách có rủi ro thấp hơn như thị trường liên quan giáo dục hay phát triển cổng thanh toán trả góp cho các ngân hàng, lĩnh vực xác định tín nhiệm cá nhân hay kinh doanh dữ liệu khách hàng… |
Nhóm PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ