Ngành bia Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ

07/11/2024 - 00:47
(Bankviet.com) Ngành bia Việt Nam đang trở lại sôi động sau những năm thử thách bởi đại dịch. Với mức tiêu thụ bia bình quân đầu người vượt xa trung bình toàn cầu, Việt Nam tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt khi các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế dần rõ nét.

Thị phần dưới tay 4 "ông lớn"

Được đánh giá là một trong những thị trường bia tiềm năng nhất khu vực, thị trường bia Việt Nam hiện tập trung mạnh mẽ với bốn cái tên lớn chiếm gần như toàn bộ “miếng bánh” thị phần.

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), đến cuối năm ngoái, Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco chiếm đến 93% thị phần, với tỷ lệ lần lượt là Heineken 43%, Sabeco 34%, Carlsberg 9% và Habeco 7%. Các thương hiệu này không chỉ cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc sản phẩm mà còn tỏ rõ chiến lược phân tầng thị trường một cách thông minh: Heineken thống trị phân khúc cao cấp, Sabeco chiếm ưu thế trong dòng trung cấp và cận cao cấp, trong khi Habeco lại chinh phục khách hàng ở phân khúc bình dân.

Ngành bia Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ
Hình minh họa

Đây cũng là bước đi chiến lược khi Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với khoảng 67% người dân trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi. Đặc biệt, 36% dân số nằm trong độ tuổi 15-40, chính là nhóm tiêu dùng chủ lực cho ngành bia. Nhóm này không chỉ tiêu thụ mạnh mà còn dẫn dắt xu hướng tiêu dùng mới, từ đó, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bia mở rộng sản phẩm và định hình thương hiệu.

Bức tranh hồi phục sau đại dịch

Giai đoạn 2020 - 2023 là khoảng thời gian đầy thử thách cho ngành bia khi dịch COVID-19 làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ, cùng với đó là chính sách thắt chặt đồ uống có cồn và xu hướng hạn chế rượu bia của giới trẻ. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, ngành bia Việt Nam đã bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm. Với nền kinh tế dần ổn định, nhu cầu tiêu thụ bia đang hồi phục, điều này được thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh quý III của các công ty bia lớn.

Sabeco, nhà sản xuất bia lớn thứ hai tại Việt Nam, đã báo cáo doanh thu quý III tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.670 tỷ đồng. Mặc dù biên lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, Sabeco vẫn đạt lợi nhuận sau thuế tăng 8% nhờ doanh số bán hàng tăng trưởng. Các công ty thành viên của Sabeco như Bia Sài Gòn - Miền Trung, Bia Sài Gòn - Sông Lam và Bia Sài Gòn - Phú Thọ đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, cho thấy hiệu quả phục hồi kinh tế đã lan tỏa rộng rãi trong nội bộ doanh nghiệp này.

Habeco cũng có một quý III kinh doanh khởi sắc với doanh thu tăng 3% và lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên 138 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Habeco cho biết, thành quả này nhờ tiêu thụ cải thiện và những nỗ lực không ngừng trong việc kiểm soát chi phí.

Khác với Sabeco và Habeco, Heineken Việt Nam có một quý kinh doanh kém lạc quan. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Heineken ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về doanh thu và sản lượng tiêu thụ, chủ yếu do phụ thuộc vào kênh on-trade (tiêu thụ tại quán) trong khi Nghị định 100 vẫn được thực thi nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Heineken đã có bước đi táo bạo khi mở rộng phân khúc bia phổ thông với các nhãn hiệu như Bia Việt, Larue, đạt mức tăng trưởng hai chữ số.

Tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ

Với tỷ lệ dân số vàng, Việt Nam hiện có 67% người dân trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi, trong đó 36% thuộc nhóm tuổi 15-40, nhóm tiêu dùng bia chính. Mức tiêu thụ bia bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 43 lít/năm, tăng mạnh so với mức 23 lít/năm vào năm 2009. Việt Nam không chỉ tiêu thụ bia cao hơn mức trung bình toàn cầu mà còn có tiềm năng phát triển trong những năm tới nhờ nhu cầu nội địa và du lịch đang tăng.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, ngành bia Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp khiến việc tăng giá sản phẩm khó khăn, buộc các thương hiệu phải linh hoạt điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, dự án sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt dự kiến trình Quốc hội vào năm 2025 có thể gây thêm áp lực khi thuế suất tăng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong phân khúc khách hàng có thu nhập thấp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược giá và điều chỉnh chi phí sản xuất để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Thêm vào đó, ngành bia còn chịu tác động từ giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Khi các nguyên liệu chính như malt, hoa bia và đại mạch phần lớn đều phụ thuộc vào nhập khẩu, chi phí sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và xung đột địa chính trị, đặc biệt là tình hình Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu ổn định.

Sabeco mạnh tay chi tiền thâu tóm Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco)

Từ ngày 31/10 đến 25/12/2024, Sabeco sẽ chào mua hơn 37,8 triệu cổ phiếu Sabibeco để nâng sở hữu từ 14,4 triệu lên 52 triệu ...

Gặp bất lợi trong quý 3, Petrolimex vẫn vượt xa mục tiêu doanh thu và lợi nhuận

Petrolimex kết thúc quý III/2024 với doanh thu thuần đạt 64.324 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán