Ngành Ngân hàng đã chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân bằng chính nguồn lực của mình

11/01/2022 - 15:55
(Bankviet.com) Các giải pháp được ngành Ngân hàng triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ… giúp doanh nghiệp giảm áp lực trong trả nợ vay và tạo điều kiện để tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đây là nỗ lực rất lớn, đặc biệt trong điều kiện các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng đã dùng chính nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Trước đó, cử tri An Giang cho biết, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch nói riêng và doanh nghiệp nói chung hầu như cạn kiệt nguồn vốn. Do đó, cử tri An Giang đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, đơn giản hóa hồ sơ xét duyệt giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để phục hồi các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế (thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất đến năm 2022.

Ngành Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19

Về các giải pháp hỗ trợ vay vốn, lãi suất ưu đãi, đơn giản hóa hồ sơ xét duyệt giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để phục hồi các hoạt động kinh doanh, NHNN cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, NHNN đã nhanh chóng, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 tiếp cận nguồn vốn.

Theo đó, NHNN đã giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành (1,5-2%/năm) ngay trong năm 2020 (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực) và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; các ngân hàng thương mại có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021; 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021 giảm thêm 0,81%/năm1. Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng gần 34.900 tỷ đồng.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát (đầu năm 2020) đến nay, ngành Ngân hàng đã tổ chức hơn 600 hội nghị, buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên toàn quốc, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho hơn 200 nghìn doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng.

Ngoài các giải pháp trên, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (như Internet Banking, Mobile Banking,...) trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng…Rà soát, nghiên cứu giảm các mức phí trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó, một số ngân hàng đã cắt bỏ nhiều loại phí cho vay như: Phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết;…

NHNN cho biết, với phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành Ngân hàng, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực, giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh. Đây là nỗ lực rất lớn của các TCTD trong điều kiện các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Về điều hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới, NHNN co biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã và đang triển khai có hiệu quả; chỉ đạo các TCTD cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gói giải pháp về thuế, phí đã hỗ trợ khoảng 274 nghìn tỷ đồng

Với kiến nghị về chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, kể từ thời gian đầu xảy ra dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp các khoản thuế (như thuế giá trị gia tăng ‘GTGT’, thuế thu nhập doanh nghiệp ‘TNDN’, thuế thu nhập cá nhân ‘TNCN’, thuế tiêu thụ đặc biệt ‘TTĐB’) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế (như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường ‘BVMT’), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, đã tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; miễn, giảm các khoản thuế (như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế nhập khẩu, thuế BVMT, thuế GTGT, tiền chậm nộp thuế), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Trong đó, có các giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra như: miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; miễn tiền chậm nộp thuế. Tổng giá trị hỗ trợ tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2021 là khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên đã có tác động tích cực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Còn đối với kiến nghị tiếp tục hỗ trợ tiền thuê đất đối với năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng: “cần phải tổng hợp trong quá trình đánh giá tác động của ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến các đối tượng liên quan, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và nguồn thu ngân sách nhà nước”.

Lan Nguyễn 

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ