Chính sách hỗ trợ cho người nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp lại bộ máy
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm cho các đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế và không gặp trở ngại. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã sẵn sàng để giải quyết chế độ cho các đối tượng nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 được hưởng lương hưu và nhận thêm một khoản hỗ trợ |
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết nhiều người lao động chưa hiểu rõ về chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.
Theo quy định hiện hành, nếu nghỉ hưu trước tuổi theo điều kiện thông thường, mức hưởng lương hưu hàng tháng sẽ bị trừ 2% cho mỗi năm nghỉ sớm. Nếu nghỉ dưới 6 tháng, mức giảm sẽ không áp dụng, còn nếu nghỉ từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ bị giảm 1%. Tuy nhiên, đối với những người nghỉ hưu sớm theo chính sách tinh giản biên chế, họ vẫn sẽ được hưởng lương hưu tính theo tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không bị trừ phần trăm do nghỉ sớm.
Cách tính mức hưởng lương hưu vẫn dựa trên thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Cụ thể, lao động nữ hưởng lương hưu tối thiểu là 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu có 15 năm đóng bảo hiểm, và sẽ được cộng thêm 2% cho mỗi năm đóng tiếp theo, tối đa là 75%. Đối với lao động nam, mức lương hưu tối thiểu 45% áp dụng khi có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó mỗi năm đóng thêm cũng được cộng 2%.
Muốn đạt mức hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nam cần đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội, trong khi lao động nữ cần đóng 30 năm.
Chính sách không ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm Xã hội
Trước lo ngại chính sách nghỉ hưu sớm sẽ tác động đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, ông Thọ cho rằng cũng sẽ có tác động do giảm thời gian đóng và tăng thời gian hưởng lương hưu cho người lao động. Tuy nhiên, tại khoản 4 điều 16 của đã quy định Ngân sách Nhà nước đảm bảo đủ toàn bộ khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ hưu trước tuổi trong thời gian đủ từ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.
Tại khoản 3 điều 21 Nghị định 178 cũng đã quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội tính toán khoản kinh phí ngân sách Nhà nước phải bảo đảm tương đương với số tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho thời gian nghỉ hưu trước tuổi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
"Cả Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đang có hiệu lực và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025 đều quy định Nhà nước bảo hộ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc chi trả cho các đối tượng về hưu sớm không lo ảnh hưởng đến nguồn quỹ", ông Thọ cho biết.
Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo chi trả đầy đủ
Ngoài quyền lợi về lương hưu, người lao động nghỉ hưu sớm nếu thuộc diện hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn có thể nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp hiện đang có kết dư hơn 60.000 tỷ đồng, đảm bảo chi trả đầy đủ cho người lao động khi nghỉ việc theo chính sách tinh giản biên chế. Bên cạnh trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm.
Theo thống kê từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến năm 2024, cả nước có khoảng 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm Xã hội, với mức hưởng trung bình gần 7 triệu đồng/người/tháng.
Số lượng người rút bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2024 giảm 1,6% so với năm 2023, xuống còn gần 1,1 triệu người.
Có nhiều yếu tố góp phần vào xu hướng giảm này. Trước hết, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi vẫn giữ nguyên quyền lợi rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người tham gia trước ngày 1/7/2025, giúp họ yên tâm về chính sách. Ngoài ra, luật mới cũng bổ sung nhiều quyền lợi, bao gồm giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, và hỗ trợ thêm trợ cấp hưu trí cho những người không có lương hưu.
Bên cạnh đó, sự cải thiện của nền kinh tế năm 2024 giúp người lao động có điều kiện tài chính tốt hơn, giảm nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần. Công tác truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người lao động về lợi ích lâu dài của việc duy trì tham gia bảo hiểm xã hội.
6 trường hợp được chọn hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần từ tháng 7-2025 Từ ngày 1/7/2025, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động thuộc 6 trường hợp cụ thể sẽ được quyền ... |
Bất ngờ lớn: Người từ 60 tuổi không có lương hưu sẽ được hỗ trợ BHYT hoàn toàn miễn phí năm 2025? Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Thạch Phước ... |
Chính sách bảo hiểm y tế mới từ 1/7/2025: 5 nhóm đối tượng được hưởng 100% chi phí Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. So với luật hiện hành, chính sách mới ... |
Sơn Tùng