Thưa Luật sư, ông cảm nhận như thế nào về Nghị quyết số 68-NQ/TW vừa được Bộ Chính trị ban hành?
Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân do Tổng Bí thư Tô Lâm ký, đánh dấu một bước ngoặt mang tính cải cách sâu sắc, tiếp nối và nâng tầm tư tưởng Đổi Mới bắt đầu từ năm 1986. Nghị quyết này không chỉ đặt ra những mục tiêu định lượng táo bạo, mà quan trọng hơn, thể hiện một sự chuyển hóa mang tính lịch sử trong tư duy quản trị và xây dựng thể chế kinh tế tại Việt Nam.
Theo đó, đây là lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất”.
Không còn là “một trong những động lực” như các văn kiện trước đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW xác lập kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Đây là một sự chuyển dịch rõ ràng về mặt tư tưởng và chính trị. Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực tư nhân hiện chiếm 50% GDP, 30% thu ngân sách và tạo việc làm cho 82% lực lượng lao động cả nước. Việc đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm, đồng hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, không chỉ là sự công nhận mà còn là một cam kết chính trị về thúc đẩy phát triển toàn diện.
Ngay phần đầu Nghị quyết, Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ những rào cản trong phát triển kinh tế tư nhân và chỉ rõ nguyên nhân. Ấn tượng nhất của Luật sư là gì, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Tôi cho rằng đây là Nghị quyết của sự “tự phê bình cấp cao” và dũng cảm xóa bỏ định kiến. Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thẳng thắn chỉ ra những rào cản đã và đang kìm hãm khu vực tư nhân, bao gồm định kiến, cơ chế “xin – cho”, chi phí tuân thủ cao, và sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực, công nghệ. Đây là lần hiếm hoi mà một văn kiện cấp cao của Đảng thừa nhận đầy đủ trách nhiệm từ phía thể chế và bộ máy quản lý.
Lần đầu tiên, Đảng nêu rõ yêu cầu “xóa bỏ triệt để định kiến”, “xem doanh nhân là chiến sĩ mặt trận kinh tế”, và “trao quyền sở hữu, quyền cạnh tranh thực chất cho kinh tế tư nhân”. Những cụm từ này không chỉ là ngôn từ chính trị, mà là lời hiệu triệu mạnh mẽ với chính hệ thống chính quyền và công luận.
Đặc biệt, Nghị quyết đã ghi dấu ấn trong chuyển dịch từ “quản lý” sang “kiến tạo và phục vụ” –một bước ngoặt tư duy về nhà nước.
Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định vai trò “kiến tạo và phục vụ” của nhà nước, thay cho mô hình quản lý hành chính nặng nề trước đây
Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu: Cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong năm 2025; Hoàn thiện cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm để khuyến khích sáng tạo và giảm can thiệp hành chính; Thực hiện nguyên tắc “kinh doanh mọi thứ mà pháp luật không cấm”, thay cho tư duy “không quản được thì cấm”.
Đây là bước cải cách thể chế quan trọng, giúp thiết lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thực sự bình đẳng.
Thưa Luật sư, Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó có những mục tiêu rất tham vọng như có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Luật sư có bình luận như thế nào về mục tiêu này?
Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Đúng là Nghị quyết 68-NQ/TW đã đưa ra mục tiêu rõ ràng, tham vọng và có tầm nhìn dài hạn.
Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu: Đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực tư nhân đóng góp 55–58% GDP; Đến năm 2045 có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Theo tôi, đây không chỉ là tham vọng tăng trưởng về số lượng mà còn là một chiến lược chất lượng và hội nhập sâu của khu vực kinh tế tư nhân.
Khác với một số văn kiện trước đây, Nghị quyết số 68- NQ/TW đã đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện. Đó là: Thúc đẩy tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp tư nhân; Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chính danh; Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và FDI; Bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, xử lý các hành vi “lạm dụng thanh tra, kiểm tra” gây cản trở hoạt động doanh nghiệp; Cải cách pháp luật dân sự, hình sự theo hướng ưu tiên xử lý kinh tế trước hình sự, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế một cách không cần thiết…
Thưa Luật sư, từ công cuộc cải cách bộ máy nhà nước và chính quyền địa phương đến Nghị quyết số 68-NQ/TW trong đó khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất”, người dân và doanh nghiệp đang kỳ vọng một cuộc cách mạnh mới…
Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Đúng vậy! Đây là một cuộc cách mạng thể chế từ nội tại bộ máy. Nếu như Đổi Mới 1986 là bước ngoặt tư duy kinh tế vĩ mô thì Nghị quyết số 68-NQ/TW chính là “cuộc cách mạng thể chế từ bên trong” – nơi bộ máy nhà nước tự nhận trách nhiệm, tự cam kết thay đổi và xác lập một quan hệ mới giữa nhà nước và doanh nghiệp: đồng hành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Cá nhân Luật sư, ông kỳ vọng như thế nào từ Nghị quyết số 68-NQ/TW?
Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Nghị quyết số 68-NQ/TW không đơn thuần là một chính sách kinh tế, mà là một bản tuyên ngôn cải cách mới của Việt Nam trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Để hiện thực hóa tinh thần này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân cũng phải đổi mới tư duy, minh bạch hóa quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nếu được thực thi đúng tinh thần và đến nơi đến chốn, Nghị quyết 68 sẽ trở thành một cột mốc quan trọng, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển bền vững và tự chủ của kinh tế tư nhân Việt Nam.
Thanh Thanh