Đưa thương hiệu ngân hàng Việt vươn ra thế giới

10/05/2025 - 22:16
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản, gắn với chiến lược phát triển dài hạn và hội nhập quốc tế.

Ngày 5/5, Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng, nhằm làm rõ vai trò then chốt của chiến lược định vị thương hiệu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của ngân hàng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng kỳ vọng Diễn đàn sẽ là diễn đàn trao đổi cởi mở, thực tiễn và chuyên sâu giữa các chuyên gia quốc tế, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngân hàng và giới học thuật.

z6569194804642_0df47910523e4d326e0dfd1054b49f4b.jpg
Quang cảnh diễn đàn

Đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Ngân hàng xác định rõ trách nhiệm trong việc hiện thực hóa các định hướng phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Ngành tiếp tục tiên phong trong đổi mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; trong đó có nhiệm vụ quan trọng là quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu ngân hàng vững mạnh, từng bước vươn tầm khu vực và toàn cầu. Qua đó đóng góp thiết thực vào việc khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.

z6569196028011_822a77d3fa7abdccfa4f3cba6f45c375(1).jpg
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc diễn đàn

Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu có từ 2–3 ngân hàng thương mại Việt Nam lọt vào Top 100 ngân hàng có thương hiệu lớn nhất khu vực châu Á. Để hiện thực hóa mục tiêu này, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính, chuẩn hóa quản trị theo thông lệ quốc tế, tăng cường minh bạch và đổi mới sáng tạo. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh quốc tế.

Các TCTD cũng đã chủ động nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trên thị trường, từng bước khẳng định thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế. Theo xếp hạng của Brand Finance năm 2025, đã có 13 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. “Đây là một tín hiệu đáng mừng, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong việc xây dựng thương hiệu mạnh và bền vững”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Để thương hiệu ngân hàng Việt Nam từng bước vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu

Trao đổi tại Diễn đàn, bà Lê Thị Thúy Sen cho rằng, một ngân hàng hoạt động tốt mà không biết cách làm thương hiệu thì sẽ lãng phí giá trị và ngược lại. Do vậy, ngân hàng cần nhìn nhận tầm quan trọng của thương hiệu như một giá trị to lớn. "Thương hiệu chính là nguồn lực, giá trị của ngân hàng. Muốn thương hiệu vươn tầm quốc tế thì chiến lược phát triển thương hiệu cũng phải có tầm vóc quốc tế”, bà Lê Thị Thúy Sen nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, GS. John Quelch - từng là Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard và giữ chức vụ Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch và Giáo sư ưu tú tại Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS), chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực marketing chiến lược tài chính - ngân hàng và được mệnh danh là “Phù thủy thương hiệu” đã đưa ra gợi mở mang tính đột phá cho hành trình nâng tầm ngân hàng Việt. Theo GS. John Quelch, một thương hiệu ngân hàng mạnh không chỉ được định hình bởi các hoạt động truyền thông bên ngoài, mà cốt lõi vẫn phải dựa trên nền tảng nội lực vững chắc từ quản trị điều hành, quản trị rủi ro hiệu quả đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế.

GS. John Quelch nhấn mạnh đến yếu tố "niềm tin" và "lòng tin", khi xây dựng thương hiệu ngân hàng. Những thương hiệu có "niềm tin" mạnh mẽ từ khách hàng sẽ nhận được nhiều lợi ích cũng như có thể có lợi nhuận cao hơn với thương hiệu khác. Cho nên, việc đầu tư xây dựng niềm tin thương hiệu có thể chuyển thành lợi nhuận cao hơn cho từng khách hàng.

z6569312757271_933ae16831e513cecf425e953626fa32.jpg
Các khách mời tham gia phiên thảo luận

Tham gia thảo luận, bà Thái Hương, Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH trích câu slogan của chính Bac A Bank là: “Giữ tâm sáng để vươn xa rộng khắp”. Theo bà Thái Hương câu này vẫn còn nguyên giá trị bởi kinh doanh ngân hàng là kinh doanh đồng tiền, cũng là loại hình kinh doanh rất thử thách.

"Tôi luôn nói với lãnh đạo Bac A Bank một chữ “Tĩnh” hoặc “Tâm”, bởi trong "tĩnh có tâm", cần phải đạt sự “tĩnh tâm” trong kinh doanh đồng tiền, tránh bị sự “cám dỗ” chi phối tiêu cực bởi chính đồng tiền", bà Thái Hương chia sẻ và cho biết thêm: "Vì sao người kinh doanh tiền cần tĩnh tâm? Tĩnh để dẫn dắt ngân hàng hoạt động lành mạnh, khách quan, không bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm".

Tại diễn đàn, các khách mời tham dự cũng được nghe những chia sẻ từ ông Peter Verhoeven - thành viên Ban Lãnh đạo Anax Invest, chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm quản trị ngân hàng tại các tập đoàn tài chính hàng đầu như Deutsche Bank, Citibank, Standard Chartered cũng đã mang đến những gợi mở thực tiễn trong việc nâng cao năng lực quản trị, chuẩn hóa theo các thông lệ quốc tế và xây dựng nội lực bền vững. Đây được xem là nền tảng quan trọng để thương hiệu ngân hàng Việt Nam từng bước vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận các mô hình quản trị thương hiệu hiện đại và cập nhật tư duy chiến lược là vô cùng quan trọng.

Định hướng thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản, gắn với chiến lược phát triển dài hạn và hội nhập quốc tế.

“Với sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng vươn lên, tôi tin tưởng rằng thương hiệu ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững”, Phó Thống đốc cho biết.

T.H

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ