Tay ngang như Hòa Phát cũng bội thu, Bầu Đức vẫn loay hoay với giấc mơ “heo ăn chuối”
Giá heo tăng mạnh giúp nhiều doanh nghiệp thu lãi cao, kể cả tay ngang như Hòa Phát. Trong khi đó, HAGL của Bầu Đức chưa thể tận dụng cơ hội do gián đoạn tái đàn và chậm nhịp đầu tư.
Người bắt sóng – kẻ ngồi nhìn
Đầu năm 2025, giá heo hơi bật tăng mạnh, dao động quanh mức 60.000–64.000 đồng/kg – vùng giá được xem là lý tưởng cho ngành chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, hàng loạt doanh nghiệp từ Dabaco, BAF, Masan MeatLife đến cả “tay ngang” Hòa Phát đều nhanh chóng thu về những khoản lợi nhuận đáng kể. Trái ngược hoàn toàn, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) – đơn vị từng tiên phong với mô hình “heo ăn chuối” – lại rơi vào cảnh lỡ nhịp, gần như đứng ngoài cuộc chơi lợi nhuận đang sôi động nhất trong nhiều năm.

Hưởng lợi lớn nhất trong đợt “sóng giá” này là Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) với lợi nhuận ròng quý I/2025 đạt 508 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ và là mức cao nhất lịch sử. Chủ tịch Nguyễn Như So còn khẳng định, nếu giá heo tiếp tục neo ở 60.000 đồng/kg, Dabaco có thể lãi ít nhất 1.500 tỷ đồng trong năm nay – con số vượt xa kế hoạch công bố.
Không kém cạnh, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) ghi nhận lợi nhuận 132 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, nhờ bán ra 160.000 con heo. Với chi phí sản xuất khoảng 45.000 đồng/kg và giá bán lên tới 63.000 – 64.000 đồng/kg, mỗi con heo mang lại lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng – mức biên lợi nhuận hiếm thấy trong ngành chăn nuôi công nghiệp.
Masan MeatLife (MML) cũng có quý thứ ba liên tiếp báo lãi, đạt 116 tỷ đồng, đảo chiều mạnh mẽ so với mức lỗ 47 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Ngoài yếu tố giá heo tăng, MML còn hưởng lợi từ chiến lược phát triển mảng thịt chế biến. Các sản phẩm mới như Ponnie, Heo Cao Bồi đóng góp trung bình 240 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng, trong đó 29% doanh thu thịt chế biến đến từ sản phẩm đổi mới, tăng gấp 4 lần so với trước. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc chuyển dịch sang chuỗi giá trị cao hơn.
Một cái tên nổi bật khác là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – đơn vị chỉ mới tham gia ngành chăn nuôi từ 2015. Trong quý I/2025, mảng nông nghiệp của Hòa Phát mang về 1.987 tỷ đồng doanh thu (tăng 31%) và 407 tỷ đồng lợi nhuận thuần (gấp 2,2 lần cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 23%, vượt trội so với Dabaco (14,2%) và BAF (12,7%). Rõ ràng, không chỉ làm được thép, Hòa Phát đã chứng minh khả năng vận hành hiệu quả trong cả ngành nông nghiệp.
HAGL – Không sẵn sàng để hưởng lợi
Trái ngược với các đối thủ đang “vớt sóng”, HAGL lại tụt sâu với doanh thu bán heo chỉ đạt 76 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ quý I/2021, giảm 74% so với cùng kỳ. Dù không còn kinh doanh dưới giá vốn như quý trước và đã ghi nhận lãi gộp 23 tỷ đồng, nhưng kết quả này quá nhỏ nhoi trong bức tranh toàn ngành đang rực rỡ.

Điều đáng nói là HAGL không thiếu tham vọng. Năm 2023, bầu Đức từng tuyên bố hệ thống 10 cụm chuồng trại của công ty có thể nuôi tới 600.000 con heo thịt. Và với lợi thế riêng biệt – sử dụng chuối và đạm thực vật làm thức ăn chăn nuôi – chi phí đầu vào được giữ ở mức thấp hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên, chiến lược "tạm dừng nuôi" trong lúc thị trường giảm đã khiến công suất đó trở nên vô dụng đúng lúc cần thiết nhất. Đến năm 2024, công ty không mở rộng thêm chuồng trại, cũng không tái đàn kịp thời, khiến toàn bộ hệ thống 10 cụm trại với công suất nuôi 600.000 con heo thịt gần như bị “đóng băng”.
Trong khi đó, Dabaco và BAF đặt cược vào chu kỳ phục hồi, chủ động tăng đàn, đầu tư quy mô và củng cố chuỗi khép kín. Masan đẩy mạnh chế biến sâu và mở rộng phân phối qua bán lẻ, còn Hòa Phát âm thầm nâng cao năng suất vận hành. Kết quả là họ hái quả ngọt khi giá heo tăng. Còn HAGL, không có đàn đủ lớn, không sẵn sàng chuỗi cung ứng, chỉ có thể chứng kiến cơ hội trôi qua.
Ngành chăn nuôi, đặc biệt là với sản phẩm như heo, không phải là một sân chơi có thể quay đầu trong vài tuần. Từ khâu tái đàn đến lúc xuất chuồng mất nhiều tháng. Việc lỡ một chu kỳ giá – nhất là chu kỳ có tính cấu trúc như hiện tại – là cái giá cực kỳ đắt.
Theo Bộ Nông nghiệp, hiện đàn nái tại Việt Nam chỉ còn khoảng 1,8 triệu con, thấp hơn 600.000 con so với nhu cầu ổn định. Sự thiếu hụt này khiến nguồn cung hạn chế, tạo áp lực giữ giá heo hơi ở mức cao. Những doanh nghiệp có sẵn đàn nái và chuỗi khép kín như Dabaco, BAF hay MML đang thu lợi lớn.
Không thể phủ nhận tầm nhìn của bầu Đức – người đã nhìn ra tiềm năng nông nghiệp từ rất sớm khi HAGL tái cấu trúc. Mô hình “heo ăn chuối” là một ý tưởng độc đáo, tiết kiệm chi phí và tạo khác biệt cạnh tranh. Nhưng ý tưởng tốt không đủ, nếu không có sự kiên định và chiến lược dài hạn.
Tuy nhiên, xét về bức tranh chung của HAGL, doanh nghiệp vẫn có quý kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận sau thuế đạt 360 tỷ đồng, tăng 134 tỷ đồng so với quý 1/2024, nguyên nhân được thúc đẩy từ hoạt động kinh doanh chuối tăng.