Người dân miền Trung vẫn gặp khó khi thực hiện sinh trắc học để chuyển khoản trực tuyến

03/07/2024 - 21:40
(Bankviet.com) Nhiều người dân tại TP. Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp khó khi thực hiện sinh trắc học để chuyển tiền trực tuyến trên ứng dụng số (app) ngân hàng.
Chi tiết 4 bước cài đặt sinh trắc học giúp an toàn khi giao dịch ngân hàng Người dân “chật vật” xác thực sinh trắc học để chuyển tiền trên app ngân hàng

Từ 1/7, khi thực hiện giao dịch chuyển khoản qua app ngân hàng với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên khách hàng phải thực hiện sinh trắc học. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người dân tại TP. Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn gặp khó khi thực hiện các bước này.

Người dân miền Trung vẫn gặp khó khi thực hiện sinh trắc học để chuyển khoản trực tuyến

Khách hàng cập nhật sinh trắc học sáng 3/7 nhưng app bị "đơ" liên tục

Bà Mai Thị Xuân Quỳnh (tổ 43, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cho biết, trong ngày 2/7 do có nhu cầu chuyển tiền cho người thân nên đã thực hiện giao dịch chuyển khoản 10 triệu đồng. Theo quy định từ 1/7, khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu phải có sinh trắc học. Tuy nhiên, khi quét mã để làm sinh trắc học thì app ngân hang báo lỗi liên tục và không thực hiện được và bị thoát khỏi app. “Đến sau cùng tôi phải chia nhỏ 10 triệu đồng thành 2 lần chuyển khoản. Tôi sẽ ra trực tiếp ngân hàng để nhờ tư vấn và hướng dẫn thực hiện quy định này”, bà Xuân Quỳnh nói và kiến nghị cần có những hỗ trợ chi tiết hơn từ phía ngân hàng để người dùng thuận tiện, dễ dàng khi chuyển tiền đã có sự can thiệp của sinh trắc học.

Tương tự, ông Lê Mạnh Trường (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng gặp khó khi thực hiện quét sinh trắc học để chuyển khoản số tiền trên 10 triệu đồng.

Người dân miền Trung vẫn gặp khó khi thực hiện sinh trắc học để chuyển khoản trực tuyến
Liên tục gặp lỗi khi thực hiện sinh trắc học để chuyển khoản (Ảnh:NVCC)

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 3/7, tại nhiều chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng tại thành phố Huế như: Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, VP Bank… có nhiều khách hàng đến xử lý các vấn đề liên quan đến cài đặt sinh trắc học.

Ông Trần Hữu - Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) Chi nhánh Huế cho biết, trước khi có quy định cập nhật sinh trắc trong giao dịch ngân hàng từ ngày 1/7 của Ngân hàng Nhà nước, trước đó nửa tháng VP Bank Chi nhánh Huế đã tiến hành gửi tin nhắn, thông báo việc cập nhật sinh trắc đến toàn bộ khách hàng của 6 phòng giao dịch trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời tập huấn nghiệp vụ cho tất cả nhân viên.

Hiện tại, các phòng giao dịch đều bố trí nhân viên hỗ trợ khách hàng để cập nhật sinh trắc học. Đồng thời, ngân hàng thực hiện gửi những video minh hoạ, hướng dẫn cho khách hàng trong quá trình thực hiện. Trong các ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, ngân hàng cũng bố trước nhân viên hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học.

Đối với những khách hàng lớn tuổi, có lượng giao dịch lớn nếu không đến được các phòng giao dịch, ngân hàng sẽ cử cán bộ, nhân viên đến tận nhà để hướng dẫn cập nhật sinh trắc học.

Quá trình cập nhật diễn ra thuận lợi, tuy nhiên do mới triển khai nên có nhiều trường hợp như người già, hình ảnh khuôn mặt thay đổi so với căn cước công dân, thiết bị điện thoại chưa phù hợp hay đường truyền mạng không ổn định… Đặc biệt là có quá nhiều người thực hiện cập nhật cùng một thời điểm nên hệ thống quá tải… do đó quá trình cập nhật bị lỗi, gián đoạn. Do vậy, những ngày qua có nhiều khách hàng đến các phòng giao dịch nhờ hỗ trợ, cập nhật sinh trắc học và các khách hàng đều đã thực hiện thành công.

“Mỗi ngày tại mỗi phòng giao dịch, các nhân viên hỗ trợ từ 50 – 60 trường hợp cập nhật sinh trắc học cho khách hàng. Do mới triển khai, nhiều khách hàng chưa quen thực hiện các bước thao thác, đồng thời có quá nhiều khách hàng thực hiện cập nhật tại một thời điểm nên xảy ra tình trạng quá tải hệ thống… Trong vài ngày tới, việc cập nhật sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn”, Giám đốc VP Bank Chi nhánh Huế Trần Hữu cho biết thêm.

“Việc chuyển khoản bị lỗi là do hệ thống tạm thời quá tải. Nếu chuyển khoản bị lỗi, khách hàng có thể tạm thời ra trực tiếp quầy giao dịch để được cán bộ ngân hàng hướng dẫn và thực hiện giao dịch”, ông Đoàn Phúc – Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Đà Nẵng thông tin.

Người dân miền Trung vẫn gặp khó khi thực hiện sinh trắc học để chuyển khoản trực tuyến
Đại diện các ngân hàng cho biết, khách hàng ra quầy giao dịch trực tiếp để được hỗ trợ cập nhật sinh trắc học hoặc chuyển khoản khi hệ thống app bị lỗi

Ông Võ Minh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP. Đà Nẵng cho biết: Kế hoạch triển khai thực hiện sinh trắc học đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo cho các ngân hàng thương mại các đây 6 tháng để các đơn vị chủ động công nghệ. “Nguyên nhân một số khách hàng chưa thực hiện được hoặc gặp khó khăn có thể là do công nghệ của ngân hàng thương mại đó chưa đủ khả năng đáp ứng (bị quá tải) hoặc gặp trục trặc trong thời gian đầu vận hành. Các ngân hàng thương mại đang tìm cách khắc phục”.

Cũng theo ông Minh, việc thực hiện sinh trắc học trong giao dịch chuyển khoản trực tuyến nhằm tăng tính bảo mật, an toàn cho khách hàng, tránh những trường hợp lừa đảo. “Việc thực hiện sinh trắc học nhằm bảo vệ khách hàng, người dân là chính, trước những vụ việc lừa đảo, tài khoản ảo làm mất tiền của người dân. Thực hiện sinh trắc học sẽ yêu cầu chính chủ tài khoản mới được thực hiện chuyển tiền, để bảo vệ tuyệt đối tài khoản của người dân. Vì vậy, trong thời gian đầu nếu gặp trục trặc khách hàng chịu khó hỗ trợ cho ngân hàng bằng cách có thể chờ 1 – 2 tiếng rồi quay lại giao dịch hoặc ra trực tiếp quầy giao dịch để thực hiện giao dịch chuyển khoản”, ông Minh chia sẻ.

Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng còn gặp khó khăn khi thực hiện các thao tác sinh trắc học, nhiều đối tượng lừa đảo đã gọi điện, nhắn tin cho người dân để giả như hướng dẫn hỗ trợ cập nhật sinh trắc học, từ đó thu thập thông tin của khách hàng, sau đó chiếm đoạt tài khoản và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Các ngân hàng như Vietcombank, Agribank... đã phát đi cảnh báo khách hàng không cung cấp thông tin cho đối tượng lạ, không cung cấp mã OTP hoặc các thông tin liên quan để tránh bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Nguyễn Tuấn - Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương