Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi chuyển dần thói quen sang thanh toán phi tiền mặt.
Đáng chú ý, trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài trong quý III/2021, hầu hết việc thanh toán của người dân đều thông qua hình thức “không chạm”. Thậm chí, ngay cả người mua và những đơn vị bán hàng cũng từ chối trao - nhận tiền mặt, nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm Covid-19.
Chuyển đổi số giúp các ngân hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh của các nhà băng khi tỷ trọng nguồn thu từ phí dịch vụ, bán bảo hiểm... trong tổng lợi nhuận ngân hàng là không nhỏ. TPBank là ngân hàng đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2021, với lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, đạt 75,76% kế hoạch năm.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, Ngân hàng đã có những điều chỉnh tích cực theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu lãi từ tín dụng. Thu lãi thuần từ dịch vụ trong 3 quý đầu năm 2021 của TPBank tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.052 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tương tự, tại ACB, số lượng giao dịch tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2021, cho dù Ngân hàng phải đóng cửa tạm thời đến 100 điểm giao dịch vì dịch bệnh. ACB kỳ vọng, nguồn thu từ phí dịch vụ sẽ đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng trong quý III cũng như ba quý đầu năm 2021. Mục tiêu của ACB là gia tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ, với tỷ trọng tăng 30 - 40% hàng năm. Trong đó, thu từ phí bảo hiểm đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng.
Nửa đầu năm 2021, lãi thuần dịch vụ của ACB đạt 1.511 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm khi Ngân hàng chính thức phân phối độc quyền sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng). Vì vậy, ACB đặt mục tiêu đạt thêm 1.300 tỷ đồng từ phí dịch vụ trong nửa cuối năm 2021.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của các nhà băng cho thấy, hầu hết ngân hàng đều có tổng lợi nhuận sau thuế ở mức cao, nhưng phần lớn đến từ hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của BIDV đạt 3.175 tỷ đồng, VietinBank đạt 2.639,9 tỷ đồng, MSB đạt 2.197 tỷ đồng...
Lãnh đạo các nhà băng cho hay, sở dĩ lợi nhuận tăng trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu nhờ tăng thu từ dịch vụ, ngân hàng số và kỳ vọng, thu từ phí sẽ là “cứu cánh” lợi nhuận trong hai quý cuối năm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021, đề cập tăng trưởng tín dụng toàn ngành bị chững lại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng đây không phải là điều quá bất ngờ. Công ty chứng khoán này dự báo, biên lãi ròng sẽ giảm do các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo đó, thu nhập lãi thuần trong quý III/2021 của các ngân hàng giảm khoảng 2% so với quý II.
Tuy nhiên, Chứng khoán Yuanta kỳ vọng, thu nhập phí của các ngân hàng trong quý III sẽ tăng, trở thành động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý này. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, ít nhất là đến cuối năm, giúp biên lãi ròng cải thiện trong quý IV, khi tín dụng tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam