Nguồn vốn giá rẻ gia tăng mạnh tại các ngân hàng

27/04/2024 - 23:04
(Bankviet.com) Lãi suất bình quân tiền gửi giảm, lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng cao cùng với việc tiết giảm chi phí là những yếu tố giúp lãi suất cho vay giảm.
Tăng trưởng CASA hỗ trợ tăng lợi nhuận của ngân hàng Quý 1/2024: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng, quán quân tỷ lệ CASA ở mức 40,5% Bức tranh kinh doanh quý 1 nhiều mảng sáng của các ngân hàng

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, tùy từng đối tượng khách hàng và thời hạn vay mà lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ điều chỉnh ở mức phù hợp. Thực tế, lãi suất cho vay giảm không chỉ từ lãi suất huy động giảm mà còn đến từ nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nằm ở tài khoản của hàng chục triệu cá nhân, tài khoản giao dịch, thanh toán của khách hàng.

Với nhiều ngân hàng, cùng với các sản phẩm dịch vụ thì CASA chính là “gà đẻ trứng vàng” giúp gia tăng lợi nhuận. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, tỷ lệ CASA năm vừa rồi của nhà băng này đạt hơn 40% và đây là lợi thế của MB.

Theo ông Ánh, tỷ lệ này có được nhờ lượng khách hàng hiện có của MB đạt 26 triệu và sẽ tăng lên 30 triệu vào cuối năm nay. Dựa trên tệp khách hàng lớn này, MB sẽ có giá vốn rẻ. “Đây là cơ sở để MB đặt lợi nhuận năm nay đạt 30.000 tỷ đồng”, Tổng giám đốc MB nhấn mạnh.

Nguồn vốn giá rẻ gia tăng mạnh tại các ngân hàng
Với nhiều ngân hàng, CASA chính là “gà đẻ trứng vàng” giúp gia tăng lợi nhuận

Còn ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho hay, CASA của Techcombank đạt gần 40%. “CASA dồi dào cho phép Techcombank huy động vốn với mức phí ưu đãi, tạo điều kiện cho vay thuận lợi”, ông Jens Lottner khẳng định.

Lãnh đạo Techcombank cũng nhấn mạnh, CASA chính là trụ cột quan trọng, trong chiến lược của nhà băng đặt ra với tỷ lệ 55%. “CASA đạt được 40% rồi nên mức 55% là hoàn toàn có thể đạt được và khả thi trong năm nay hoặc năm sau”, Tổng giám đốc Techcombank nói, đồng thời cho biết, động lực tăng trưởng CASA của ngân hàng đến từ cách tiếp cận chuỗi giá trị, giúp chiếm được thị phần ngày càng tăng trong hệ sinh thái của các đối tác doanh nghiệp lớn. “Đối với tệp khách hàng bán lẻ, năng lực số hóa hàng đầu cùng hệ sinh thái của các đối tác đã giúp Techcombank thu hút 2,6 triệu khách hàng mới vào năm 2023, đóng góp khoảng 6,7 ngàn tỷ đồng vào tăng trưởng CASA”, ông Jens Lottner chia sẻ.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), dù lãi suất huy động biến động trong một thời gian dài, thì trong vòng 5 năm gần đây, tỷ trọng CASA trên tổng tiền gửi luôn là điểm nhấn của MSB trên thị trường. MSB luôn nằm trong Top 5 ngân hàng sở hữu chỉ số này cao nhất. Để đạt kết quả này, lãnh đạo MSB cho biết, ngân hàng dựa trên ba yếu tố chính.

Đầu tiên, là sản phẩm và dịch vụ “thuận ích” được “may đo” dựa trên nhu cầu thực của khách hàng và phân chia theo phân khúc, hướng tới phục vụ toàn diện và giải quyết những bất cập trong giao dịch tài chính hàng ngày của các cá nhân và doanh nghiệp.

Thứ hai, MSB đưa giá trị tăng thêm khi khách hàng sử dụng một sản phẩm, mang đến những gói ưu đãi hấp dẫn, tăng mức sinh lời trên chính dòng tiền sẵn có của khách hàng, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận hạn mức tín dụng phê duyệt trước.

Thứ ba, ngân hàng nâng cao trải nghiệm khách hàng qua nền tảng số hóa, mang tới hành trình tiếp cận, sử dụng sản phẩm - dịch vụ nhanh chóng và tiện ích hơn.

Nguồn vốn giá rẻ gia tăng mạnh tại các ngân hàng
Các ngân hàng nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm thu hút CASA

Với các chiến lược phù hợp với xu thế thị trường trong hoạt động số hóa và xây dựng các gói sản phẩm dịch vụ, hiện CASA của MSB đạt gần 40.300 tỷ đồng, tăng 14,64%, đưa tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi đạt mức 29,21%, tăng khoảng 3 điểm phần trăm so với thời điểm 31/12/2023. “Từ việc quản trị và tối ưu hóa nguồn vốn, MSB có thể tối ưu hơn chi phí huy động, từ đó tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và kích cầu tín dụng”, lãnh đạo MSB khẳng định.

Cũng đạt được các mốc tăng trưởng ấn tượng vào hàng kỷ lục về quy mô, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, lượng CASA năm 2023 tăng trưởng tới 34%, vượt mức 47.000 tỷ đồng, góp phần cho việc tăng trưởng 7% về tiền gửi của cá nhân và tổ chức. “Đây vừa là cơ sở để ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn, vừa minh chứng cho năng lực đảm bảo các giao dịch liên tục và thông suốt để khách hàng yên tâm lưu trữ phục vụ hoạt động thanh toán tiêu dùng”, đại diện TPBank chia sẻ.

Còn tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), chú trọng tăng nguồn CASA để giảm giá vốn đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo biên lợi nhuận của nhân hàng luôn là chiến lược mà ngân hàng này hướng tới.

Giới chuyên gia dự báo, tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn giúp cho CASA của ngân hàng được cải thiện.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế khẳng định, CASA có vai trò quan trọng mang lại lợi ích kép cho ngân hàng khi vừa mở rộng khách hàng, vừa tranh thủ được nguồn vốn rẻ. CASA sẽ là trợ lực để các nhà băng giảm bớt phần nào áp lực chi phí hoạt động. Đó cũng là lý do trong những năm qua, nhiều ngân hàng xác định tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh. “Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, trong bối cảnh ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng CASA thì cần có những cách làm mới, sáng tạo hơn để thu hút người dân mở tài khoản thanh toán. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với nền tảng ví điện tử, công ty công nghệ tài chính cung cấp những dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện lợi và không tiếc tiền vào các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kéo người dùng.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài miễn giảm phí thì các nhà băng cần những cách làm riêng. Đơn cử như thay vì khuyến khích người dùng mở tài khoản mà không sử dụng dẫn đến tình trạng lượng tài khoản “ảo” lớn, CASA không tăng mà lại tốn nhiều chi phí quản lý, các ngân hàng cần đầu tư mạnh hơn về dịch vụ thanh toán, tư vấn, chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, tăng cường liên kết cùng các trang thương mại điện tử, khuyến khích khách hàng thanh toán qua ứng dụng ngân hàng… cũng sẽ khuyến khích người dân để tiền trong tài khoản thanh toán, giúp tăng CASA.

Thuỳ Linh - Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương