Giá gạo ở châu Á tiếp đà tăng do thị trường thắt chặt vào đầu năm 2024 Giá gạo xuất khẩu Thái Lan quay đầu giảm, gạo Việt vững ở mức cao Nhu cầu nhập khẩu tăng cao đẩy giá gạo toàn cầu “nóng” trở lại |
Sau phiên điều chỉnh tăng giá ngày 11/1, giá gạo của Thái Lan và Pakistan tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 12/1.
Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ở phân khúc 5% tấm, nếu như gạo của Việt Nam và Thái Lan duy trì mốc giá lần lượt là 653 USD/tấn và 645 USD/tấn thì gạo Pakistan tiếp tục ghi nhận tăng phiên thứ 2 liên tiếp. Giá sau điều chỉnh của Pakistan ở mức 617 USD/tấn (tăng 12 USD). Như vậy, trong vòng 2 ngày gạo của Pakistan đã tăng tổng cộng 25 USD/tấn.
Với mức giá hiện nay, gạo 5% tấm của Việt Nam dù vẫn đứng đầu thế giới song khoảng cách với các đối thủ đã rút ngắn lại khi chỉ cách Thái Lan 8 USD và Pakistan 36 USD.
Giá gạo xuất khẩu biến động trái chiều |
Ở phân khúc 25% tấm biến động trái chiều. Theo đó, gạo Việt Nam giảm 6 USD xuống còn 618 USD/tấn. Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp loại gạo này giảm với tổng cộng 12 USD. Trong khi đó gạo Thái Lan tăng 3 USD lên mức 581 USD/tấn. Riêng gạo Pakistan đi ngang sau 2 phiên liên tiếp tăng và duy trì mốc 558 USD/tấn (hai phiên trước đó gạo Pakistan đã ghi nhận tăng tới 45 USD/tấn).
Với phân khúc 100% tấm, gạo Việt giữ ổn định ở mức 533 USD/tấn, gạo Thái Lan giảm 1 USD xuống 485 USD/tấn, còn gạo Pakistan tăng 7 USD - lên mức 474 USD/tấn.
Việc giá gạo của Thái Lan và Pakistan tăng liên tục trong mấy ngày qua được các doanh nghiệp lý giải, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao. Cụ thể, cả Philippines và Indonesia đều ghi nhận nhu cầu lớn trong năm 2024.
Trong đó tại Philippines, Tham tán thương mại Việt Nam tại nước này cho biết, nước này nhập 3,5- 4 triệu tấn trong năm nay. Còn tại Indonesia, ngày 11/1 Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) Indonesia cho biết Chính phủ nước này đã đồng ý giao cho Bulog nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay. Quyết định được đưa ra nhằm duy trì cân bằng dự trữ gạo (CBP) của chính phủ.
Một nguyên nhân khác được các doanh nghiệp cho rằng có phần tác động đến giá gạo là do cước tàu biển nhảy vọt trong thời gian gần đây.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An nói rằng, việc cước vận tải tăng cao là gánh nặng sẽ “đè” lên vai cho cả chuỗi ngành hàng, tức cả người bán lẫn người mua.
Tuy nhiên, với bối cảnh của ngành lúa gạo hiện nay theo ông Bình, nhu cầu người mua rất lớn và họ sẽ chịu những thiệt hại do cước vận chuyển tăng. Bởi khi đàm phán ký kết doanh nghiệp đã tính toán cả chi phí vận chuyển vào giá bán.
Thực tế, theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ, từ giữa tháng 12/2023 các nhà vận tải biển nước ngoài đã thông báo cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh giá cước vận chuyển tăng khoảng 500 USD/cont 40 ft. Ông Có lo ngại rằng, giá cước có thể còn tăng thêm nữa nếu tình hình an ninh ở khu vực Biển Đỏ xấu thêm. Điều này cũng sẽ tác động nhất định lên giá gạo xuất khẩu.
Tuy vậy, theo ông Có giá gạo 5% tấm hiện đang ở mức rất cao rồi (653 USD/tấn) nên khó cạnh tranh và doanh nghiệp cũng chưa dám ký hợp đồng mới. “Giao dịch mới hầu như không có bởi nguồn cung gạo này ở nội địa hạn chế vì đa số lúa vẫn còn ở ngoài đồng chưa thu hoạch”- ông Có nói.
Riêng phân khúc 25% tấm giảm mạnh được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lý giải là để thu hút khách hàng.
Liên quan đến việc tăng cước tàu biển, ngày 28/12/2023 Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại Biển Đỏ. Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Đặc biệt, các hiệp hội, doanh nghiệp kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý. |
Thùy Dương