Đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ cho hay sẽ thanh tra toàn diện các công trình, dự án điện phát triển trong 10 năm qua (2011-2021). Đây là các dự án thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) và quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Việc thanh tra sẽ tiến hành trong 85 ngày làm việc, tập trung vào chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng của các công trình, dự án điện này. Khi cần thiết, có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Quyết định này cũng đã được gửi tới UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đăk Nông. Đây là các địa phương vừa qua có sự phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió...
Động thái này khiến không ít doanh nghiệp điện mặt trời lo lắng do không thiếu thủ tục thì cũng vướng ở chủ trương đầu tư dù rằng các mô hình điện mặt trời áp mái, công trình điện mặt trời trồng trụ không phải thứ tự phát.
Công nhân vệ sinh các tấm pin năng lượng mặt trời tại một dự án ở Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần |
Cụ thể, vào ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 từng được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong phát triển năng lượng, là chìa khóa cho tư nhân đầu tư vào dự án năng lượng, điện.
Nghị quyết 55 cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.
Ngay sau đó, các nhà đầu tư đã khẩn trương, ráo tiết vào cuộc với tinh thần “làm ngày không đủ - tranh thủ làm đêm”, “hỏa tốc” cho kịp đóng điện trước 31/12/2020 để được hưởng chính sách ưu đãi từ cơ chế mua - bán điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) theo tinh thần của Nghị quyết 55.
Các nhà đầu tư năng lượng sạch “kêu cứu”, bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý sớm xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tiếp tục tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. |
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, cuốn phăng mọi thứ từ mạng sống con người, nền kinh tế sản xuất hàng hóa bị trì trệ, đình đốn, việc lưu thông bị ách tắc, vì phải thực hiện giãn cách xã hội theo từng cấp độ, các nhà đầu tư vẫn nỗ lực để điện sạch tỏa sáng bởi nguồn nguyên liệu đơn giản chỉ từ nắng - gió.
Sau dịch, tình hình di chuyển của người dân vẫn còn bị kiểm soát chặt để tránh tái bùng phát, kể cả các đoàn công tác của cán bộ vào Nam - ra Bắc cũng phải tuân thủ để bảo đảm công tác phòng dịch được hiệu quả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc việc kiểm tra, khảo sát thực tế hàng loạt dự án, trong đó gồm cả các dự án năng lượng tái tạo bị gián đoạn.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp ở lĩnh vực này, họ không gục ngã bởi đại dịch, nhưng lại bất lực trước nhiều thủ tục bị cho là “nhiêu khê” hiện nay.
Trước thực trạng đó, các nhà đầu tư năng lượng sạch “kêu cứu”, bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý sớm xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tiếp tục tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Bảo Vy