Tăng tốc phổ cập xe điện, cục diện thị trường gọi xe và giao hàng công nghệ sẽ đảo chiều thế nào?

17/07/2025 - 19:48
(Bankviet.com) Lộ trình cấm xe xăng tại đô thị lớn thúc đẩy điện hóa ngành vận tải công nghệ, thương hiệu tiên phong dùng xe điện như Xanh SM đang nắm ưu thế cạnh tranh.
Chuyển động

Tăng tốc phổ cập xe điện, cục diện thị trường gọi xe và giao hàng công nghệ sẽ đảo chiều thế nào?

Thu Hà 17/07/2025 17:27

Lộ trình cấm xe xăng tại đô thị lớn thúc đẩy điện hóa ngành vận tải công nghệ, thương hiệu tiên phong dùng xe điện như Xanh SM đang nắm ưu thế cạnh tranh.

Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về các giải pháp cấp bách nhằm giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn. Trong văn bản này, Hà Nội được nhấn mạnh là địa phương cần có hành động quyết liệt, do thường xuyên nằm trong nhóm thành phố có chất lượng không khí thấp nhất cả nước.

Xe công nghệ
Từ khi ra mắt năm 2023, Xanh SM đã nhanh chóng mở rộng đội ngũ tài xế vận hành xe máy điện VinFast tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác

Chính vì vậy, một lộ trình cụ thể để loại bỏ phương tiện cá nhân sử dụng xăng, dầu đã được công bố, với các mốc thời gian rất rõ ràng:

• Từ ngày 1/7/2026, cấm xe máy và mô tô chạy xăng trong khu vực Vành đai 1.
• Từ 1/1/2028, mở rộng hạn chế với ô tô cá nhân dùng xăng, dầu tại Vành đai 1 và Vành đai 2.
• Đến năm 2030, toàn bộ phương tiện cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch sẽ bị loại khỏi Vành đai 3.

Với đặc thù tập trung mật độ người dân đông đúc và nhu cầu di chuyển cao, các quận nội đô của Hà Nội từ lâu là thị trường cốt lõi của các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Gojek, Be, cũng như các nền tảng giao hàng như Ahamove, Loship, ShopeeFood. Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ tài xế của các nền tảng này vẫn đang sử dụng xe máy chạy xăng truyền thống. Sự thay đổi trong chính sách, nếu không có sự chuẩn bị từ trước, có thể khiến hàng chục nghìn tài xế rơi vào thế bị động, thậm chí mất kế sinh nhai nếu không thể thích ứng kịp.

Giữa bối cảnh đó, chỉ một cái tên nổi bật như điểm sáng trong toàn ngành: Xanh SM Bike – ứng dụng xe ôm công nghệ sử dụng xe điện 100%, thuộc hệ sinh thái Vingroup.

Từ khi ra mắt năm 2023, Xanh SM đã nhanh chóng mở rộng đội ngũ tài xế vận hành xe máy điện VinFast tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác. Khác với các nền tảng truyền thống vốn để tài xế tự trang bị phương tiện, Xanh SM triển khai mô hình cung cấp đồng bộ: từ xe điện, trạm sạc, phần mềm điều hành đến chế độ huấn luyện. Với một hệ sinh thái khép kín như vậy, Xanh SM hiện là thương hiệu duy nhất trong ngành sẵn sàng bước vào giai đoạn “không xăng” của đô thị.

Được biết, Xanh SM hoạt động dưới sự điều hành của Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility – GSM), là đơn vị cho thuê phương tiện giao thông xanh và đặt xe điện đa nền tảng đầu tiên trên thế giới.

Trong khi đó, các tên tuổi lớn như Grab hay Gojek từng hợp tác thử nghiệm với một số nhà sản xuất xe điện như VinFast, Yadea, Dat Bike, song đến nay vẫn chưa mở rộng mô hình đội xe điện riêng. Dù đôi lúc có nhắc đến chiến lược “xanh hóa phương tiện”, nhưng phần lớn các hãng này vẫn để tài xế cá nhân tự quyết định loại xe sử dụng. Việc đầu tư xe điện, với chi phí không nhỏ – dao động từ 15 đến 25 triệu đồng tùy dòng xe vẫn là một rào cản lớn với nhiều tài xế.

Không chỉ xe chở khách, lĩnh vực giao hàng công nghệ cũng đang phải tính đến phương án chuyển đổi. Các đơn vị như Ahamove, ShopeeFood hay Giao hàng tiết kiệm đã bước đầu hợp tác với startup Selex Motors để cung cấp xe điện hoặc triển khai mô hình đổi pin linh hoạt. Tuy nhiên, mức độ phổ biến vẫn còn hạn chế, phần lớn dừng ở các dự án thí điểm hoặc thử nghiệm tại một số khu vực trung tâm.

Về phía chính quyền, Hà Nội đang xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là tài xế công nghệ, chuyển đổi sang phương tiện sạch. Một số đề xuất đã được đưa ra, như miễn lệ phí trước bạ cho xe máy điện, hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo hoặc tài xế có thu nhập thấp. Song để các chính sách này phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và cụ thể từ các cơ quan chức năng, đặc biệt trong việc xây dựng hạ tầng trạm sạc, quy hoạch lại điểm dừng đỗ và điều chỉnh cơ chế đăng ký phương tiện.

Câu chuyện chuyển đổi phương tiện cá nhân tại đô thị không đơn thuần là thay đổi một chiếc xe, mà là sự thay đổi toàn bộ mô hình vận hành của một ngành. Khi khu vực trung tâm thành phố – nơi chiếm phần lớn nguồn thu của tài xế trở thành vùng “cấm xăng”, việc tiếp tục công việc buộc phải gắn với một phương tiện mới. Đây là thời điểm các nền tảng gọi xe và giao hàng công nghệ phải đưa ra lựa chọn: hoặc đồng hành cùng tài xế trong quá trình chuyển đổi, hoặc chấp nhận bị tụt lại trong cuộc chơi mới.

Từ năm 2026 trở đi, mỗi chiếc xe máy chạy xăng lăn bánh tại Hà Nội sẽ dần trở thành hình ảnh lỗi thời. Sự thay thế không tránh khỏi đang tới gần, và với ngành xe ôm – giao hàng công nghệ, đó sẽ là một cuộc chuyển mình toàn diện: từ phương tiện, hạ tầng, mô hình kinh doanh cho đến trải nghiệm người dùng. Cơ hội dành cho những ai đi trước – và rủi ro cũng đang hiện hữu với bất kỳ ai chậm chân trong cuộc đua mới mang tên “đô thị xanh”.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán