Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 1/2023 của Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), bức tranh kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2023 cho thấy nhiều yếu tố khó khăn hơn thuận lợi. Các "đầu kéo" kinh tế xuất khẩu, sản xuất công nghiệp giảm; số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh. Các chỉ số dự báo kinh tế như PMI, IIP kém tích cực cho thấy tình hình kinh tế trong các tháng tới sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã ổn định trở lại sau đợt giảm mạnh của năm 2022, đây là thời điểm phù hợp để tích lũy dần các khoản đầu tư dài hạn. |
Áp lực lạm phát khả năng tiếp tục tăng trong quý I, tuy nhiên sau đó duy trì ổn định khi sức cầu đang giảm tốc dần và cả năm 2023 dự báo đạt 4,5% theo muc tiêu của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến yếu tố giá cả các hàng hóa cơ bản (điện, y tế) dự báo tăng sẽ tác động đến lạm phát. Ngoài ra, trong trường hợp các dự án đầu tư công không đạt hiệu quả như kỳ vọng cũng có thể tạo áp lực lên lạm phát...
Năm 2023, Agriseco Research kỳ vọng yếu tố đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu.
Xuất khẩu khó duy trì đà tăng trưởng khi các đối tác lớn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và thực tế đã thể hiện trong kết quả các tháng gần đây. Tiêu dùng tiếp tục hồi phục nhưng khó duy trì tăng trưởng như năm 2022, trong khi vốn đầu tư tư nhân có thể chững lại khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng như triển khai các dự án tiềm năng.
Từ những luận điểm trên, Agriseco Research chỉ ra các cơ hội đối với thị trường chứng khoán như:
Lạm phát đang trong tầm kiểm soát sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tiền tệ đồng thời kỳ vọng nút thắt từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ sau khi sửa đổi Nghị định 65. Các yếu tố này sẽ hỗ trợ vấn đề thanh khoản đang khó khăn cục bộ ở một số nhóm ngành cũng như tạo động lực để thị trường chứng khoán đi lên.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI mới tăng trong tháng 1 phản ánh Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ duy trì đà tăng trưởng ổn định và lạm phát kiểm soát. Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc vẫn đang diễn ra và Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn trước biến động kinh tế - chính trị toàn cầu. Điều này tạo cơ hội dài hạn cho nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan.
Việc Trung Quốc tái mở cửa từ đầu tháng 1/2023 sẽ có nhiều tác động tích cực tới nhiều ngành nghề trọng điểm như xuất khẩu, hàng không – du lịch, cảng biển, logistics tuy nhiên quá trình trên sẽ diễn ra từ từ khi người dân Trung Quốc đang dần thích nghi hậu Covid – 19.
Đặc biệt, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới khi có thể giúp nhiều ngành nghề liên quan hưởng lợi như xây dựng, bất động sản, ngân hàng, v.v… Tuy nhiên, cần lưu ý bên cạnh yếu tố tích cực trên thì các nhóm ngành khác nhau đều đang gặp khó khăn riêng, đặc biệt là ngành bất động sản. Vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ cơ hội và rủi ro đối với từng ngành, mã cổ phiếu cụ thể trước khi giải ngân.
Trong các tháng tiếp theo, dòng tiền có thể tìm tới các ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và các nhóm có câu chuyện riêng: đầu tư công, ngân hàng, khu công nghiệp, nhiệt điện và tạo cơ hội tăng giá đối với các cổ phiếu nhóm ngành trên.
Cùng với đó, mặt bằng định giá thị trường PE ~ 12,x ngang với thời điểm Covid – 19 với tín hiệu mua ròng mạnh từ khối ngoại cho thấy triển vọng dài hạn cho thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã ổn định trở lại sau đợt giảm mạnh của năm 2022, đây là thời điểm phù hợp để tích lũy dần các khoản đầu tư dài hạn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị nên lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành có mức định giá P/E, P/B ở vùng thấp so với lịch sử, ưu tiên các doanh nghiệp không có tính chu kỳ hoặc đang được khối ngoại mua ròng.
Quỳnh Nga