Nhận định chứng khoán ngày 22/6: Thị trường đã bước vào nhịp sóng mới |
VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng và chỉ số đã chính thức vượt qua vùng giá đỉnh tạo ra trước đó. Chốt phiên 22/6, VN-Index tăng 6,8 điểm tương ứng mức tăng 0,6% lên ngưỡng 1,125 điểm. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức cao với hơn 828 triệu đơn vị khớp lệnh với tổng giá trị đạt hơn 16.238 tỷ đồng.
Dòng tiền vẫn đang luân chuyển và gia tăng tốt trong thị trường. Sau nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng ở phiên trước, phiên giao dịch hôm nay nhóm cổ phiếu bất động sản lại có diễn biến tăng giá mạnh, nhiều mã vượt đỉnh cũ với thanh khoản đột biến như NBB (+6,73%), DIG (+6,22%), DXG (+4,23%), CEO (+2,71%)...
Khối ngoại bất ngờ chuyển sang bán ròng mạnh với hơn 384 tỷ đồng trên cả 2 sàn HNX và HOSE. Trong đó, VHM bán ròng hơn 574 tỷ đồng cách xa so với vị trí thứ 2 là TPB với 50 tỷ. Ngược lại HPG được mua ròng hơn 120 tỷ và xếp thứ 2 là STB với 105 tỷ đồng.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV đã có cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam về diến biến phiên hôm nay (22/6), đồng thời đưa ra những nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Ông Trần Đức Anh cho rằng, việc tăng thanh khoản trong bối cảnh thị trường hồi phục giống như động lực giúp VN-Index đi lên đến từ việc giảm lãi suất và đặc biệt là lãi suất huy động. Nếu chúng ta quan sát ở 1 số ngân hàng thương mại lãi suất huy động đã giảm từ 1 -2%. Việc giảm lãi suất huy động như vậy đã giúp điều hướng dòng tiền và các kênh đầu tư trong đó có thị trường chứng khoán, từ đó giúp cho thanh khoản thị trường hồi phục mạnh mẽ. Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm thì thanh khoản thị trường sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Với xu hướng hồi phục của thị trường thời điểm hiện tại thì chúng ta có thể quan sát thấy các nhóm cổ phiếu có sự luân phiên tăng điểm. Có thời điểm là nhóm chứng khoán, nhóm bán lẻ, nhóm ngân hàng và nhóm bất động sản.
Mặc dù nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến tích cực trong phiên hôm nay, chuyên gia KBSV cho rằng đây là diễn biến luân phiên tăng điểm theo thị trường và khó có thể có 1 sóng tăng mạnh mẽ. Ngoài ra thị trường bất động sản khó có thể hồi phục mạnh mẽ trong năm nay, có lẽ sang năm 2024 thị trường bất động sản mới có dấu hiệu hồi phục rõ nét. Khi niềm tin của nhà đầu cũng như câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp bớt rủi ro hơn, lúc đấy thị trường bất động sản mới thật sự hồi phục.
Về nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, nhóm này có sự tăng giảm đan xen nhưng không có sự bứt phá mạnh mẽ như giai đoạn năm 2020 và 2021. Nguyên nhân là vì mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng nhìn chung vẫn còn cao hơn so với giai đoạn dịch Covid 19.
Nhìn vào bản chất đà hồi phục của thị trường từ đầu năm đến nay, động lực chính đến từ diễn biến giảm của mặt bằng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn ở mức thấp và các doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh trong quý 1/2023 và quý 4/2022 không thực sự tích cực.
Việc ngân hàng nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành cùng với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm tương đối từ đầu năm đến nay đã giúp cho dòng tiền có sự dịch chuyển vào các kênh đầu tư và thị trường chứng khoán đã được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm dần phát huy tác dụng. Ví dụ như giảm thuế VAT, tăng đầu tư công, các gói chính sách nhà ở xã hội… sẽ giúp nền kinh tế có sự hồi phục nhất định vào quý cuối năm, từ đó thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng hồi phục tích cực. Tuy nhiên, thị trường sẽ có nhịp tăng giảm đan xen dưới áp lực chốt lời khi mà thị trường cũng đã có nhịp hồi tương đối tốt từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 đến nay.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV |
Về câu chuyện room tín dụng và hạ lãi suất, ông Trần Đức Anh đánh giá sẽ có tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, song 2 thông tin này có tác động không đáng kể về mặt bản chất và dòng tiền.
Thứ nhất vấn đề tăng trưởng tín dụng ở thời điểm hiện tại còn có liên quan đến nhu cầu tín dụng thực tế vẫn ở mức thấp. Ngoài ra các ngân hàng thương mại cũng đang ra tăng quản trị rủi ro nên họ ngần ngại trong việc giải ngân và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức tương đối cao. Điểm nghẽn không nằm ở room tín dụng vì vậy nới room tín dụng cũng khó cải thiện được mức tăng trưởng tín dụng trong 1-2 tháng tới.
Đối với câu chuyện hạ lãi suất điều hành thì Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất và những lần hạ lãi suất về sau thị hiệu ứng tích cực càng giảm đi thì rất khó để Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất trong tháng 7. Và cơ quan này cần thêm thời gian để quan sát tác động của những lần hạ lãi suất vừa rồi, chờ đợi sự thẩm thấu của những đợt hạ lãi suất cho nền kinh tế, có lẽ sang quý 4 mới có đợt hạ lãi suất tiếp theo.
CTCK Yuanta Việt Nam – FSC cho rằng, thị trường có thể sẽ điều chỉnh và chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại mức 1.118 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể thu hút dòng tiền quay trở lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh và xuất hiện các phiên tăng giảm đan xen. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư đã giảm bi quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG và xu hướng ngắn hạn của chỉ số VNSmallcaps cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại, đặc biệt các nhà đầu tư có thể chú ý nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. |
Nhận định chứng khoán ngày 20/6: VN-Index điều chỉnh về vùng 1.095 trước khi hồi phục trở lại Áp lực điều chỉnh ngắn hạn được ghi nhận xuyên suốt phiên hôm nay khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ và thoái lui về sát ... |
Nhận định chứng khoán ngày 21/6: Thị trường tích lũy quanh 1.100 – 1.125 điểm Trong phiên hôm nay, thị trường lình xình quanh tham chiếu và bất ngờ bật tăng mạnh vào cuối phiên, chuyên gia nhận định, trong ... |
Hồng Quân