Nhận định chứng khoán phiên 23/1: Đối mặt áp lực chốt lời, NĐT chuẩn bị tâm thế "đón sóng"

23/01/2024 - 03:15
(Bankviet.com) Theo Chứng khoán Shinhan, xu hướng chính của VN-Index vẫn là tăng nhưng cần quan sát thêm diễn biến của dòng tiền để xác nhận nhóm ngành tiếp theo đón sóng. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tham chiếu lần lượt là 1.160 và 1.220 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/1, sàn HOSE có 246 mã tăng và 223 mã giảm, VN-Index tăng 1,36 điểm (+0,12%), lên 1.182,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 890 triệu đơn vị, giá trị 18.739,2 tỷ đồng, tăng 34,26% về khối lượng và 26,65% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 19/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 118,69 triệu đơn vị, giá trị 2.647,3 tỷ đồng.

Thị trường kết phiên trong trạng thái phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng và chỉ số VN-Index chỉ đủ sức để bước nhẹ qua mốc tham chiếu. Tuy nhiên, thanh khoản lại cải thiện tích cực với tổng giá trị giao dịch vượt các phiên giao dịch trong tuần trước, với sự đóng góp khá lớn của cổ phiếu quốc dân HPG.

Nhận định chứng khoán phiên 23/1: Đối mặt áp lực chốt lời, NĐT chuẩn bị tâm thế
VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng tích cực trong ngắn hạn và cả trung hạn

Sau phiên giao dịch sáng khá đột biến về thanh khoản, cổ phiếu HPG tiếp tục sôi động hơn trong phiên chiều và đóng cửa với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 66 triệu đơn vị, hơn gấp đôi cổ phiếu đứng thứ 2 trên thị trường và gấp hơn 3 lần mức thanh khoản trung bình của HPG trong 10 phiên giao dịch gần đây. Đồng thời, đây cũng là mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu HPG trong hơn 1 năm qua, kể từ phiên 1/12/2022 khớp gần 66,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu HPG cũng nhích nhẹ so với thời điểm chốt phiên sáng khi đóng cửa tăng 1,8% lên mức 28.300 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong khoảng 4 tháng qua của mã này.

Ngoài HPG, các cổ phiếu thép khác đều duy trì diễn biến khởi sắc. Trong đó, HSG chốt phiên tăng 2,4% lên mức 23.050 đồng/CP và khớp 25,15 triệu đơn vị; NKG chỉ còn tăng nhẹ 1% lên mức 25.200 đồng/Cp và khớp hơn 13 triệu đơn vị; POM vẫn tăng mạnh nhất ngành đạt 6,3%, SMC kết phiên tăng 4,7%...

Tuy nhiên, ấn tượng nhất thị trường chính là pha “quay xe” của nhóm cổ phiếu chứng khoán khi toàn ngành đã hồi phục thành công, ngoại trừ VIX đứng giá tham chiếu. Trong đó, HCM tăng 1,84%, BSI tăng 2,15%, VND, CTS, AGR đều tăng hơn 1%, còn lại đều tăng trong biên độ hẹp trên dưới 0,5%.

Điểm sáng ngành thuộc về TVB. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau khi TVB được chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện kiểm soát. Kết phiên, TVN tăng 6,97% lên mức giá trần 6.600 đồng/CP và khớp 2,14 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, với SHB lùi về mốc tham chiếu 12.150 đồng/CP và giao dịch vẫn dẫn đầu toàn ngành, đạt 31,8 triệu đơn vị, MBB nhích nhẹ 0,2% và khớp 29,13 triệu đơn vị, VPBEIB cùng tăng 0,5% và khớp hơn 15 triệu đơn vị…

Nhận định chứng khoán phiên 23/1

Khả năng rung lắc cao: Theo Chứng khoán Beta, trong ngày giao dịch đầu tuần 22/01, mặc dù áp lực chốt lời có phần gia tăng nhưng nhờ lực cầu tích cực trong phiên chiều giúp chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì đóng cửa trong sắc xanh khi tăng nhẹ 1,36 điểm (tăng 0,12%), thanh khoản khớp lệnh cải thiện tăng 22,22% so với phiên trước và trên mức bình quân 20 phiên giao dịch cho thấy dòng tiền vẫn đang vận động tích cực tìm cơ hội sinh lời trên thị trường.

Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index vẫn đang duy trì xu hướng tích cực trong ngắn hạn và cả trung hạn khi đường chỉ số nằm trên các đường trung bình quan trọng, do đang nằm trong vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm cùng với chỉ báo RSI đang trong vùng quá mua nên khả năng rung lắc sẽ cao. Các chỉ báo kỹ thuật như SAR, MACD và (DI+, DI-) duy trì tín hiệu tích cực củng cố cho xu hướng ngắn hạn hiện tại. Vùng 1.150-1.160 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index.

Trong giai đoạn hiện nay, khi kết quả hoạt động kinh doanh quý 4/2023 của các doanh nghiệp đang dần được công bố, giúp nhà đầu tư có được những thông tin quan trọng để đánh giá được triển vọng của doanh nghiệp trong năm 2024 rõ ràng hơn. Qua đó, dòng tiền đang cho thấy có sự phân hóa và ưu tiên phân bổ vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.

Mặt bằng lãi suất thấp cùng với chuỗi mua ròng của khối ngoại được duy trì sang phiên thứ 8 liên tục có thể là những yếu tố hỗ trợ thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Duy trì quán tính tăng điểm: Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, sau nhịp tăng điểm mở cửa phiên 22/01, VN-Index diễn biến rung lắc trong phiên trước khi đảo chiều hồi phục một phần về cuối phiên. Việc VN-Index hình thành mẫu nến rút chân, cùng với thanh khoản gia tăng vài một vài nhóm ngành dẫn dắt đã giúp cho chỉ số tránh được một phiên giảm điểm tiêu cực.

Nhiều khả năng chỉ số có thể tiếp tục duy trì quán tính tăng điểm lên vùng đích kỳ vọng được đặt quanh 1.185 điểm (+/-10 điểm).

Nhà đầu tư được khuyến nghị mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự, cụ thể là quanh 1.145 điểm (+/-5 điểm) và quanh 1.185 điểm (+/-5 điểm).

Cân nhắc giải ngân: Với Chứng khoán Asean (Aseansc), trong phiên VN-Index trải qua một nhịp điều chỉnh trong phiên 22/01 song với khối lượng không lớn. Nhịp điều chỉnh kết thúc ngay từ đầu phiên chiều khi lực cầu quay trở lại thị trường và tạo ra sự lan tỏa ở cuối phiên (246 mã tăng/223 mã giảm) khiến cho đà tăng của thị trường tiếp tục được củng cố.

Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thăm dò các nhóm cổ phiếu có nền tảng trong giai đoạn vừa qua sau những phiên tăng điểm của nhóm ngân hàng. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục lên mức 80%.

Cần quan sát thêm diễn biến của dòng tiền: Còn theo Chứng khoán Shinhan (SSV), thị trường hình thành cây nến rút chân nhỏ thể hiện lực cầu vẫn chưa chịu lép vế. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng đã có dấu hiệu chững lại khi một số cổ phiếu đã xuất hiện dấu hiệu chốt lời, khiến chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ.

Xu hướng chính của VN-Index vẫn là tăng nhưng cần quan sát thêm diễn biến của dòng tiền để xác nhận nhóm ngành tiếp theo đón sóng. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tham chiếu lần lượt là 1.160 và 1.220 điểm.

Khối ngoại mạnh tay "giải ngân" kỷ lục năm 2024, tiêu điểm thuộc về dòng bank

Kết thúc phiên giao dịch 22/01, khối ngoại mạnh tay "giải ngân" trên toàn thị trường với tổng giá trị đạt 515,82 tỷ đồng, tập ...

Kiên nhẫn với "cổ đất" năm nay

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên thực hiện chiến thuật giao dịch linh hoạt với cổ phiếu bất động sản, bởi dù cho có ...

Tín hiệu kỹ thuật từ nhóm cổ phiếu BĐS: NVL bứt phá, NLG xác nhận đà tăng

Trong phiên giao dịch đầu tuần, nhóm cổ phiếu BĐS ghi nhận tín hiệu tích cực với sự dẫn dăt của cổ phiếu NVL.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán