Ông Masato Kanda, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của sự biến động nhanh của đồng Yên đối với nền kinh tế vào thời điểm thị trường thận trọng trước khả năng một đợt hoạt động mua Yên, bán đô la khác có thể diễn ra.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đang theo dõi xem sự sụt giảm gần đây của đồng Yên tác động như thế nào đến lạm phát. Theo một bản tóm tắt các ý kiến được đưa ra tại cuộc họp hoạch định chính sách ngày 13-14/6, một số thành viên Hội đồng quản trị BOJ đã đề cập đến sự cần thiết xem xét tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát có thể gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Kanda cho biết: “Những biến động quá mức ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện hành động thích hợp bất cứ lúc nào”.
Tuần trước, Mỹ đã đưa Nhật Bản trở lại danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, mặc dù các quan chức Nhật Bản cho biết việc đưa Nhật Bản vào danh sách này không có nghĩa là Washington thấy có vấn đề với chính sách ngoại hối của Tokyo.
Sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và Mỹ đã khiến đồng Yên tiếp tục yếu đi. Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào năng lượng và nguyên liệu thô ở nước ngoài, đồng Yên yếu làm tăng chi phí nhập khẩu.
Sự yếu đi của đồng Yên vẫn tồn tại bất chấp BOJ đang tiến hành giảm bớt kích thích tiền tệ, với đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3 vừa rồi và quyết định gần đây nhằm giảm mua trái phiếu chính phủ, một yếu tố mà các nhà phân tích cho rằng có thể thúc đẩy việc mua đồng Yên.
Trong khi các nhà chức trách Nhật Bản nói rằng họ không có ý niệm cụ thể về mức giá của đồng Yên, ông Kanda nhắc lại rằng biến động tiền tệ phải ổn định, phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế.
"Nếu đồng đô la tăng vài Yên khi một chỉ số kinh tế hoặc nhận xét của ai đó công bố, thì sự biến động đó không dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Trong những thời điểm như thế này, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đánh giá rằng biến động đó được điều khiển bởi các nhà đầu cơ," ông Kanda nói.
Sau nhận xét của vị Thứ trưởng Bộ Tài chính này, đồng đô la Mỹ vẫn ở vùng trên 159 Yên, mức giá của cuối tuần trước do thị trường giảm bớt kỳ vọng rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda không loại trừ khả năng tăng lãi suất vào tháng 7, mà cho rằng điều này tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới, đồng thời cho biết lạm phát đã trở nên nhạy cảm hơn với biến động tỷ giá hối đoái.
Người tiêu dùng Nhật Bản đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng giá cả hàng hóa hàng ngày tăng cao, hệ quả phụ của việc đồng Yên sụt giá. Chính phủ đang có kế hoạch tăng cường hỗ trợ nhiều hơn bằng cách giảm bớt các gánh nặng từ các hóa đơn tiện ích và cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt.
Theo bản tóm tắt được công bố hôm nay, một thành viên BOJ cho biết rủi ro lạm phát tăng cao hiện "đáng chú ý" và giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.
BOJ cần theo dõi dữ liệu liên quan để chuẩn bị cho cuộc họp chính sách tiếp theo và “nếu thấy phù hợp, nên tăng lãi suất chính sách không quá muộn, để đáp ứng sự gia tăng khả năng đạt được mục tiêu lạm phát”, vị này nói.
Một thành viên hội đồng khác nói rằng mức lãi suất chính sách “phù hợp” sẽ tăng lên “để phản ánh rủi ro giá cả tăng lên”.
Tại cuộc họp tháng 6 vừa qua, Uỷ ban Chính sách của BOJ gồm 9 thành viên đã giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi từ 0 đến 0,1%. BOJ cũng quyết định cắt giảm việc mua trái phiếu, hiện ở mức khoảng 6 nghìn tỷ Yên mỗi tháng, với chi tiết sẽ được công bố sau cuộc họp vào 2 ngày cuối cùng của tháng 7 này.
Bản tóm tắt các ý kiến cho thấy một BOJ thận trọng khi tìm cách giảm lượng mua vào đồng thời giảm thiểu tác động của hành động này lên thị trường trái phiếu.
Sự hiện diện đậm nét của BOJ trên thị trường đã được thể hiện rõ sau nhiều năm tích cực mua trái phiếu để giữ chi phí đi vay ở mức thấp và mở đường cho Nhật Bản chấm dứt giảm phát. BOJ hiện giữ khoảng một nửa số nợ của chính phủ, tương đương khoảng 600 nghìn tỷ Yên.
H.Y