Nhật Bản: Giá chưa tăng, người dân đã giảm chi tiêu

12/04/2025 - 18:28
(Bankviet.com) Kỳ vọng lạm phát của người dân Nhật Bản tăng mạnh trong quý I/2025. Giá thực phẩm và xăng tăng là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng lo ngại.
Lạm phát tiêu dùng Nhật Bản cao, kỳ vọng lãi suất tăng Khủng hoảng gạo ở Nhật Bản: Việt Nam học được gì? BOJ sẽ tăng lãi suất nếu đạt mục tiêu lạm phát

Kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình Nhật Bản tiếp tục tăng trong quý I/2025, theo kết quả khảo sát được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố ngày 11/4. Diễn biến này củng cố quan điểm rằng các điều kiện kinh tế nội địa đang dần hội đủ để BOJ xem xét các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Cụ thể, có tới 86,7% số hộ được khảo sát cho biết, họ dự báo giá cả sẽ tăng trong vòng một năm tới - mức cao nhất kể từ tháng 6/2024 và tăng so với con số 85,7% của khảo sát trước đó vào tháng 12. Trong trung và dài hạn, 83,5% hộ dân kỳ vọng giá cả sẽ tăng trong 5 năm tới, so với mức 82,5% trong khảo sát trước.

Kỳ vọng lạm phát trong 5 năm tới cũng tăng nhẹ lên 9,6%, từ mức 9,2%. Ảnh minh họa
Kỳ vọng lạm phát Nhật Bản trong 5 năm tới cũng tăng nhẹ lên 9,6%, từ mức 9,2%. Ảnh minh họa

Về mức độ tăng giá cụ thể, người dân ước tính giá cả sẽ tăng 12,2% trong năm tới - cao hơn mức 11,5% được ghi nhận cuối năm 2024. Kỳ vọng lạm phát trong 5 năm tới cũng tăng nhẹ lên 9,6%, từ mức 9,2%.

Những kỳ vọng này cao hơn đáng kể so với lạm phát thực tế, hiện đang ở mức 3,7% (tính đến tháng 2/2025). Theo một quan chức BOJ, sự gia tăng gần đây trong giá thực phẩm và nhiên liệu là yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Khảo sát trên được thực hiện từ ngày 6/2 đến 4/3, trong bối cảnh Nhật Bản đang dần rời xa chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài nhiều năm. BOJ đã chấm dứt chương trình kích thích quy mô lớn vào năm ngoái và thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên lên 0,5% vào tháng 1/2025 - lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ.

Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, ngân hàng trung ương sẵn sàng tiếp tục nâng lãi suất nếu kinh tế phục hồi vững chắc và các doanh nghiệp điều chỉnh chính sách giá - lương theo hướng phản ánh thực trạng lạm phát. Ông cũng coi việc kỳ vọng lạm phát tăng từ cả phía hộ gia đình và doanh nghiệp là điều kiện cần thiết cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, BOJ có thể sẽ trì hoãn nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới vào ngày 30/4 - 1/5. Nguyên nhân là do sự gia tăng biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, cùng với lo ngại suy thoái kinh tế.

Bà Naomi Muguruma, chiến lược gia trưởng về trái phiếu tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết: “Các yếu tố trong nước đang ủng hộ lập trường của BOJ”. Bà cũng điều chỉnh dự báo thời điểm nâng lãi suất tiếp theo của BOJ từ tháng 7/2025 sang tháng 1/2026.

Trong khi kỳ vọng lạm phát tăng có thể củng cố lập luận của BOJ, mặt trái là chi phí sinh hoạt cao đang bắt đầu làm suy yếu tiêu dùng. Nhiều hộ gia đình cho biết họ đã phải cắt giảm chi tiêu cho ăn uống ngoài và giải trí, để dành phần lớn ngân sách cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm.

Các số liệu khảo sát của chính phủ công bố đầu tuần này cũng cho thấy tâm lý ở khu vực dịch vụ giảm tháng thứ ba liên tiếp, trong khi niềm tin tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm.

Trước sức ép từ cuộc bầu cử Thượng viện sắp diễn ra vào tháng 7, các nhà lập pháp Nhật Bản đang gây áp lực buộc chính phủ đưa ra biện pháp hỗ trợ người dân trước tác động kép từ chi phí sinh hoạt tăng và chính sách thuế mới của Mỹ.

Tờ Yomiuri cho biết, liên minh cầm quyền đang cân nhắc đề xuất giảm thuế tiêu dùng như một giải pháp kích cầu.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương