12 ngân hàng Việt lọt Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới: Vietcombank dẫn đầu, BIDV tăng tốc ngoạn mục |
Cụ thể, giảm nhiều nhất tuần qua là cổ phiếu MSB với mức -10,7%, còn 12.150 đồng/cp. Trong phiên giao dịch cuối cùng, cổ phiếu này đã giảm mạnh 5,8%, qua đó quay trở lại vùng giá của đầu năm 2023. Xếp sau đó là nhóm ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn như VPB, LPB, ACB, TCB, SHB với mức giảm từ 6 - 7%.
Nhóm ngân hàng quốc doanh có BID và CTG với mức giảm lần lượt là 2,7% và 4,3%. Trong khi đó, VCB, cổ phiếu ngân hàng có thị giá lớn nhất hiện nay đứng tham chiếu, cùng với BAB.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm sâu tuần qua |
Ở chiều ngược lại, PGB gây chú ý trong tuần qua khi tăng mạnh hơn 20%, kết tuần tại mức giá 19.500 đồng/cp. Riêng phiên cuối tuần đã tăng kịch trần với thanh khoản cao nhất trong nhiều tháng trở lại.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức phê duyệt việc cổ đông lớn Petrolimex thoái hơn 40% vốn cổ phần tại PG Bank. Tiết lộ tại đại hội cổ đông năm 2022, đại diện Petrolimex khẳng định có thể hoàn tất thoái vốn PG Bank trong năm nay.
Về thanh khoản, trong tuần đầu tiên của năm âm lịch, có hơn 887 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch, tương đương với giá trị đạt gần 17.900 tỷ đồng. Trong đó, SHB, VPB và STB là 3 mã có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị.
Cũng xét về khối lượng giao dịch, STB với 114,5 triệu cp, đứng thứ 3 sau VPB và SHB; song xét về giá trị giao dịch vẫn đứng đầu toàn ngành với mức 3.005 tỷ đồng, cách biệt so với mức 2.535 tỷ đồng của VPB đứng sau đó.
STB nhận được sự quan tâm của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua khi nhóm này đã mua ròng hơn 337 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại còn mua ròng 147 tỷ đồng HDB và 66 tỷ đồng BID. Ngược lại, nhóm này gần như không bán ròng cổ phiếu ngân hàng trong tuần.
Trong khi đó, nhóm tự doanh mua ròng 81 tỷ đồng VPB, 52 tỷ đồng OCB và bàn ròng gần 30 tỷ đồng STB.
Về kết quả kinh doanh, 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với bức tranh lợi nhuận phân hoá. Trong năm 2022, có 4/27 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với năm 2021. Nhiều ngân hàng có tăng trưởng dương nhưng vẫn chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thông qua cho cả năm, chẳng hạn như Techcombank, VPBank,…
Đầu năm mới Quý Mão, nhiều ngân hàng đã thông báo về kế hoạch chia cổ tức. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên sau nhiều năm liền, cổ đông một số ngân hàng sẽ được nhận cổ tức tiền mặt.
Cụ thể tại VIB, HĐQT ngân hàng đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền tạm ứng gần 2.108 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức dự kiến ngày 3/3/2023.
Trước đó, TPBank dự kiến sẽ trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cp. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Thời gian chi trả dự kiến quý I/2023.
Eximbank thì đã thông qua ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu.Theo đó, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận 20 cổ phiếu mới). Ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức là 20/2. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.
Thu Thủy