Đông Nam Bộ dẫn đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài Việt Nam trước cơ hội hút dòng vốn đầu tư từ châu Âu |
Việt Nam là “mắt xích” quan trọng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Cùng với đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục kể từ trước tới nay.
LG Innotech (Hải Phòng) mở rộng dự án đầu tư thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử vào năm 2023 (Ảnh minh hoạ) |
Trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2023, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là một điểm rất tích cực, cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam vẫn thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, chia sẻ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức có uy tín, cộng đồng các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, coi Việt Nam là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đặc biệt, trong khuôn khổ các chuyến công tác nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó truyền tải thông điệp về một Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore… đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp xúc, kết nối doanh nghiệp trong khuôn khổ chuyến thăm tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Còn theo GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đề ra mục tiêu chiến lược và các giải pháp đột phá của Việt Nam đối với khu vực FDI, các tiêu chí lựa chọn và đánh giá dự án FDI, để tạo “bộ lọc” giúp thu hút các dự án có chất lượng hơn; đồng thời, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, năm 2022, Chính phủ ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, theo đó, từ ngày 1/1/2024 áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng hồ sơ Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024, để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
“Hiệu ứng chính sách là rõ rệt, Samsung, LG tiếp tục dốc vốn, Apple và hàng chục tập đoàn kinh tế lớn tìm đến Việt Nam” – GS, TSKH Nguyễn Mại khẳng định.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cam kết đầu tư vào Việt Nam (Ảnh minh hoạ) |
Hứa hẹn một năm đột phá của dòng vốn ngoại
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh với 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; các dự án này có tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Đồng thời, vốn FDI giải ngân trong tháng 1/2024 cũng rất khả quan, đạt mức 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Trước đó, năm 2023, Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD. Cùng với đó, LG Innotech (Hải Phòng) cũng mở rộng dự án đầu tư thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử, nâng tổng vốn đầu tư của LG Innotech lên hơn 2 tỷ USD.
Câu chuyện đang được kỳ vọng hơn cả cho dòng vốn FDI năm 2024 là vào cuối năm 2023, ông Jensen Huang - Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) đã đến Việt Nam để thảo luận về việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Nhân dịp này, vị tỷ phú giàu thứ 34 thế giới cam kết “sẽ biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam”.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Takeo Nakajima - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về môi trường kinh doanh vừa được công bố vào tháng 1/2024 cũng cho thấy, trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7%. Đây là những “cửa sáng” quan trọng cho triển vọng thu hút FDI năm 2024.
Nguyễn Hòa