Nhiều doanh nghiệp lãi lớn, triển vọng ngành phân bón sẽ ra sao?

12/08/2024 - 17:34
(Bankviet.com) Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 được các doanh nghiệp ngành phân bón công bố, có thể thấy trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 đã có sự phục hồi rất tích cực nhờ đà tăng trở lại của giá phân bón.

Nhắc đến ngành phân bón, không thể không kể đến "ông lớn" đầu ngành là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.950 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý hơn, lãi ròng tăng vọt 129%, đạt 231 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lãi lớn, triển vọng ngành phân bón sẽ ra sao?
Hình minh họa.

Sự hồi phục đến từ đà tăng trở lại của giá phân bón. Biên lãi gộp của công ty đã tăng đáng kể từ 10,5% lên gần 14%. Thêm nữa, Đạm Phú Mỹ đã kiểm soát tốt chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lần lượt giảm 5% và 7% so với cùng kỳ

Lũy kế sáu tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 7.255 tỷ đồng và lãi ròng 495 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 37% so với cùng kỳ. Như vậy, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành tới 93% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ trong nửa đầu 2024.

Không chỉ tăng trưởng về kết quả kinh doanh, Đạm Phú Mỹ còn ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ về sản lượng. Sản xuất phân bón và hóa chất đạt khoảng 553.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng tiêu thụ cũng vượt kế hoạch và tăng trưởng từ 5-20%.

Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu urê đạt gần 100.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ, trong khi giá xuất khẩu urê bình quân cũng tăng hơn 8%.

Trong sáu tháng cuối năm, Đạm Phú Mỹ dự kiến cung ứng khoảng trên 650.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, tiếp tục phát triển thêm các dòng sản phẩm mới và các thị trường quốc tế nhằm hoàn thành tốt nhất kế hoạch cả năm.

Ngoài doanh nghiệp đầu ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ, một “ông lớn” khác trong ngành là Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đầy ấn tượng trong quý 2/2024, Công ty đạt 3.863 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 64%, đạt 610 tỷ đồng.

Trong quý, Đạm Cà Mau ghi nhận khoản thu nhập khác tăng đột biến, đạt 176 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản lãi từ giao dịch mua giá rẻ.

Sau khi khấu trừ thuế phí, Đạm Cà Mau thu về 570 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp gần đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế sáu tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt hơn 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 919 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 69% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, Đạm Cà Mau đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận dù mới chỉ đia nửa chặng đường năm 2024.

Triển vọng ngành phân bón ra sao?

Đánh giá về triển vọng phát triển của hai “ông lớn” dẫn dắt ngành phân bón nói riêng cũng như toàn ngành nói chung, các tổ chức tài chính kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng tích cực hơn nữa nếu mặt hàng phân bón được chuyển từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang danh mục chịu thuế VAT 5%.

Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đã được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ VII và sẽ được biểu quyết để thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Hiện tại giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% (do không được khấu trừ).

Nếu Luật thuế VAT sửa đổi được thông qua, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Về triển vọng ngành, trong báo cáo triển vọng ngành phân bón, Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng tiêu thụ urê nội địa tương đương năm ngoái, vì giá bán trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 5% - 10%, do đó nguồn phân bón nhập khẩu giá rẻ hơn có thể gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu không còn nhiều khi nguồn cung thế giới được đảm bảo, và tổng công suất sản xuất phân bón nội địa đã vượt hoặc gần như tương đương nhu cầu tiêu thụ mỗi năm, khiến thị trường phân bón gần như bão hòa, cơ hội gia tăng sản lượng từ nhu cầu tăng là không lớn.

Tuấn Tú

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán