Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” sàn chứng khoán

05/07/2023 - 23:36
(Bankviet.com) Hiệu quả của việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó còn có nhiều lợi ích vô hình khi lên sàn chứng khoán như: tăng uy tín, thương hiệu, nâng cao vị thế của doanh nghiệp. Tuy nhiên có một thực trạng đáng buồn là số lượng doanh nghiệp đại chúng hóa nói chung và lên sàn nói riêng trong những năm trở lại đây gần như "giậm chân tại chỗ".

Đặt trong tương quan với số doanh nghiệp đang hoạt động có thể thấy số lượng doanh nghiệp lên sàn vẫn còn khá nhỏ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chất lượng tốt vẫn chưa mặn mà với thị trường chứng khoán.

Ông lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đứng ngoài sàn

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc quý I/2023, cả nước hiện có khoảng hơn 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong khi đó, ước tính hiện chỉ có xấp xỉ 2.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đại chúng hóa (công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ).

Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” thị trường chứng khoán
Dư địa thị trường chứng khoán là rất lớn, khi hàng loạt các "ông lớn" tên tuổi vẫn đang đứng ngoài sàn.

Trong đó, chỉ có hơn 1.600 doanh nghiệp đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên 3 sàn: HOSE (hiện có 403 doanh nghiệp), HNX (332 doanh nghiệp) và UPCoM (865 doanh nghiệp). Con số này, trong các năm gần đây không có sự chuyển biến đáng chú ý.

Đơn cử, kể từ đầu năm 2023 đến nay, HOSE có duy nhất 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, chuyển từ UPCoM sang.

Tương tự, HNX cũng không "khá khẩm" hơn khi chỉ đón thêm 2 mã cổ phiếu chuyển sàn niêm yết là KSV của Tổng công ty CP Khoáng sản TKV và PPT của Công ty CP Petro Time.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 ghi nhận gần 57.000 đơn vị, thành lập mới gần 34.000, quay trở lại hoạt động là hơn 23.000 doanh nghiệp. Cần phải nhấn mạnh rằng, các con số này đã giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2022, dù được đánh giá là năm bùng nổ về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động, nhưng thị trường chứng khoán cũng chỉ ghi nhận khoảng 54 mã cổ phiếu mới được bổ sung trên cả 3 sàn giao dịch. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu rút khỏi thị trường năm này cũng cao vượt trội hơn số "tân binh", khiến tổng doanh nghiệp đăng ký trên 3 sàn giảm hơn 40 đơn vị so với năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” thị trường chứng khoán
Thống kê từ 3 sàn giao dịch giai đoạn 2020 - 2022. Nguồn: Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước

Theo quan sát của Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, hiện nay có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mặc dù có quy mô lớn, hiệu quả kinh doanh cao nhưng vẫn chưa IPO, đại chúng hóa và lên sàn chứng khoán.

Trong đó, có thể kể đến Tập đoàn Thành Công (TC Group) - một ông lớn với doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực lắp ráp ô tô. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, hiện đang là một “thế lực” đáng kể trong ngành ô tô Việt Nam từ nhiều năm nay, xếp hạng thứ 25 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022.

Theo giới thiệu của TC Group, năm vừa qua, doanh thu tập đoàn này ước đạt 118.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng. So với năm 2021, con số này đã ghi nhận tăng trưởng 41%.

Nhắc đến TC Group không thể không đề cập tới Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) - doanh nghiệp lớn nhất ngành ô tô Việt Nam với vốn chủ sở hữu đạt 48.445 tỷ đồng (tính riêng công ty mẹ).

Trong năm 2022, Thaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7.420 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Thaco đạt 153.086 tỷ đồng, tăng 19%. Doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa lên sàn chứng khoán.

Đối với lĩnh vực bất động sản, một DN có quy mô rất lớn là Tập đoàn Sungroup. Hiện, Sungroup đang có mức vốn điều lệ 7.542 tỷ đồng, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản cao cấp và đầu tư hạ tầng. Doanh nghiệp này đến nay chưa được đại chúng hóa.

Hay như trong lĩnh vực vàng bạc đá quý, nếu như Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) niêm yết từ những năm 2009 và gặt hái được nhiều thành công thì Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji lại vẫn “hờ hững” với sàn chứng khoán.

Trong khi đó, về quy mô, Doji được công nhận là thương hiệu quốc gia và liên tục nằm trong top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Hiện, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 6.000 tỷ đồng với tổng tài sản là 15.000 tỷ đồng và tổng số lao động là gần 3.000 cán bộ nhân viên.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, Doji thu về hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ. Doji cũng là số hiếm doanh nghiệp đạt mức doanh thu 100.000 tỷ đồng (công ty mẹ), cao gấp nhiều lần so với PNJ.

Bên cạnh những doanh nghiệp quy mô lớn điểm tên ở trên, còn hàng nghìn doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như: xây lắp, sản xuất, thương mại, dịch vụ… có kết quả kinh doanh tích cực nhưng đến nay vẫn chưa đại chúng hóa, đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.

Thậm chí, trong ngành ngân hàng vốn được biết đến với yêu cầu cao về tính công khai, minh bạch thông tin, hiện vẫn còn 3 cái tên chưa lên sàn là: PVCombank, SCB và BaovietBank.

"Tắc" cổ phần hóa, "khan hàng" tốt cho thị trường

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán mới đi vào hoạt động, khi thông tin, nhận thức về thị trường chứng khoán của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân còn chưa đầy đủ, Chính phủ đã có chủ trương đúng đắn là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhờ đó, thị trường đã đón nhận một loạt DN trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hấp dẫn.

Nhắc đến Đạm Cà Mau (DCM), các nhà đầu tư chứng khoán lâu năm chắc hẳn không thể quên phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chứng (IPO) của Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau vào tháng 12/2014.

Tại phiên đấu giá, tổng số cổ phần đưa ra đấu giá là gần 129 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 12.000 đồng/cp. Tổng số lượng nhà đầu tư tham gia đấu giá là 1.303, khối lượng cổ phần đăng ký là gần 141,5 triệu cổ phần. Phiên đấu giá thành công giúp Đạm Cà Mau thu về 1.579 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2015, hơn 529 triệu cổ phiếu DCM đã chính thức niêm yết, tương đương tổng giá trị 5.294 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.500 đồng/cp.

Cũng trong năm 2015, thị trường chứng khoán cũng đã tiếp nhận thêm một “ông lớn” là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV). ACV được IPO vào cuối năm 2015, toàn bộ 77,8 triệu cổ phần đem ra đấu giá đều được bán hết với mức giá trung bình là 14.344 đồng/cổ phần. Sau 2 năm, cổ phiếu ACV đã được giao dịch trên sàn UPCoM.

Một đại diện khác của ngành hàng không là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN). Tháng 7/2016 sau khi hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược ANA Holdings INC (Nhật Bản); đến tháng 1/2017, Vietnam Airlines đã đưa cổ phiếu HVN lên giao dịch trên sàn UPCoM, là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa nằm trong top đầu thị trường.

Nhận định được lợi thế khi niêm yết cổ phiếu, bên cạnh ACV, DCM, HVN, hàng loạt các cái tên khác trong khối doanh nghiệp nhà nước đã đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán trước đó như Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX), Công ty CP Nhựa Thiếu niên tiền phong, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội…

Trong một đánh giá của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập người lao động được nâng lên. Cổ phần hóa được xem như chiếc “đũa thần” với không ít doanh nghiệp nhà nước.

Tuy vậy, đến nay dù chính sách cổ phần hóa vẫn được đốc thúc thực hiện, song tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp đã bị chậm lại đáng kể. Nhiều cái tên nằm trong danh sách từ rất lâu như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), VNPT, Mobifone, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc… vẫn không có diễn tiến nào đáng chú ý.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với tổng giá trị 489.690 tỷ đồng (vốn Nhà nước là 233.792 tỷ đồng). Trong đó mới chỉ cổ phần hóa 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục đã được Chính phủ phê duyệt, đạt 30% kế hoạch.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu thoái vốn tại 141 doanh nghiệp và cổ phần hóa 19 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp, 21 doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng.

Tuy nhiên, dường như kết quả ảm đạm đã được dự báo trước. Cụ thể, riêng trong năm 2022, cả nước chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Cập nhật số liệu gần đây nhất, trong 5 tháng đầu năm 2023, không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị là 43,9 tỷ đồng thu về 179,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn tới chậm cổ phần hóa thì có nhiều nhưng được nhắc đến phổ biến là khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó là tâm lý không muốn buông bỏ lợi ích của một số lãnh đạo DNNN khi cổ phần hóa.

Ngay cả với không ít trường hợp DNNN đã được cổ phần hóa nhưng đến nay vẫn không đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn chứng khoán tập trung theo quy định hiện hành. Thậm chí có trường hợp mua gom cổ phần, giảm số lượng cổ đông để hủy tư cách công ty đại chúng.

Có thể nói, trong khi cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước chậm trễ nếu không muốn nói là bế tắc, các doanh nghiệp tư nhân đứng ngoài sàn khiến cho hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán trở nên khan hiếm.

Thị trường thiếu vắng các "tân binh" khiến nhà đầu tư không có lựa chọn mới. Thị trường giảm đi sức hút đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này làm ảnh hưởng tới thanh khoản và triển vọng nâng hạng thị trường.

Mời các bạn đón đọc Bài 3: "Mổ xẻ căn bệnh “lười” lên sàn của DN Việt"

Thách thức đến từ minh bạch hóa thông tin

Để hấp dẫn nhà đầu tư và có thể gọi được vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, ngoài hiệu quả kinh doanh ...

Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn? (Bài 1)

LTS: Các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dư âm của đại dịch Covid-19 và những biến ...

Gỡ "nút thắt" để đón các tân binh lên sàn chứng khoán

Việc thị trường Việt Nam khó bứt phá, bên cạnh nguyên nhân dòng tiền trở nên thận trọng, còn tới từ việc thiếu vắng những ...

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán