Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vừa được tổ chức ngày 11/6, ĐHĐCĐ VIB đã thông qua đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%. Điều lệ có hiệu lực từ 1/7/2024.
Hình minh họa. |
Theo đó, mặc dù đối tác chiến lược hiện nay của Ngân hàng VIB là ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) có thể giữ lại số cổ phần hiện tại là 19,8% tương đương 503 triệu cổ phiếu nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu và chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy, CBA chỉ có thể bán lại cho các nhà đầu tư trong nước. Diễn biến này xảy ra sau khi xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng CBA sẽ thoái vốn khỏi VIB. CBA hiện là cổ đông lớn nhất của VIB.
Tại Đại hội lần này, nhiều cổ đông cũng đã thắc mắc về việc VIB giảm mạnh giới hạn room ngoại, theo ghi nhận của Chứng khoán Vietcap, ban lãnh đạo VIB cho biết mới chỉ biết tới mục tiêu thoái vốn của CBA sau khi được Ngân hàng Nhà nước trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn. Hiện tại, VIB chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn cụ thể sắp tới của CBA.
Trong khi đó, CBA cho biết kế hoạch thoái vốn của họ là do các thay đổi về mặt chính sách và đã được lên kế hoạch từ năm 2018.
Trước đó, động thái thoái vốn khỏi VIB của CBA đã phần nào được phản ánh trong những kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên gần đây. Vào năm 2019, CBA đã có động thái rút khỏi Hội đồng Quản trị của VIB. Mặc dù khẳng định chưa rời bỏ VIB nhưng đại diện CBA từng cho biết đang có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu.
Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ giúp VIB thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm đối tác chiến lược mới. Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới sau khi CBA thoái vốn theo các quy định hiện hành. SSI Research cũng nhận định, ở thời điểm hiện tại, chưa có thoả thuận về khối lượng lẫn giá bán liên quan đến việc thoái vốn của CBA.
HDBank mới đây cũng vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông về việc tạm khóa “room ngoại” xuống mức 17,5%, nhằm mục đích chuẩn bị sẵn sàng cho các dự án chiến lược.
Theo tài liệu được công bố, nhằm triển khai có hiệu quả các hạng mục thuộc chiến lược phát triển của HDBank trong thời gian tới, đảm bảo tuân thủ các quy định và phù hợp với nhu cầu đầu tư của các cổ đông nước ngoài, HDBank trình Đại hội cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài còn 17,5%, giảm từ mức 20% được quy định tại Điều lệ trước đó.
Chia sẻ tại cuộc gặp với các nhà đầu tư vừa qua, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank cho biết, ngân hàng này đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.
Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và HDBank tìm được những đối tác phù hợp. Theo ông Tùng, thời gian qua HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.
Chia sẻ về kế hoạch nới thêm room ngoại hoặc tìm kiếm cổ đông chiến lược ngoại trong thời gian tới, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, hiện room ngoại của Techcombank là 22%, tỷ lệ này cho phép ngân hàng phát hành 10% cho cổ đông chiến lược.
Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Bởi thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông.
Năm vừa rồi VPBank đã làm thành công với SMBC, Techcombank cũng đang nghiên cứu cơ hội như vậy. Theo đó, Techcombank đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn thì sẽ gặp được.
Hồi tháng 7/2023, HĐQT SeABank cũng đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này cũng sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cũng từng thông tin với cổ đông ngân hàng này sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, cổ đông SHB cũng đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, việc thu hút thêm vốn ngoại sẽ nâng cao năng lực tài chính cho các nhà băng. Trên thực tế, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, nhưng nhìn chung, vốn của ngân hàng Việt vẫn mỏng, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực.
Hở ‘room ngoại’, một cổ phiếu ngân hàng 'bất ngờ' được khối ngoại gom ròng mạnh nhất tuần Tuần 8-12/4, trên sàn HoSE, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33,64 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng ... |
Chọn cổ phiếu ngân hàng cho chiến lược đầu tư dài hạn Trong báo cáo mới đây, chứng khoán KBSV đã cho rằng mức định giá hiện tại vẫn hấp dẫn với triển vọng của ngành, song ... |
Phạm Hường