Thêm cây cầu, thêm niềm vui Giao ban Thương vụ định kỳ: Xây những “cây cầu” vững chắc cho doanh nghiệp Việt |
Bâng khuâng nhớ chuyến phà xưa
Từ ngày có cầu Quang Thanh, bến phà hai bên bờ sông Văn Úc kết nối Hải Phòng - Hải Dương đã dần lùi vào quá khứ. Không còn cảnh từng đoàn xe nối đuôi nhau xếp hàng chờ đến lượt xuống phà. Sự mòn mỏi đợi chờ của hành khách trong những ngày hè nắng gắt, hay tiết trời đông buốt giá đã lùi vào dĩ vãng.
Niềm vui của những người thợ tham gia xây dựng cầu Bạch Đằng trong ngày khánh thành cây cầu Ảnh: Thanh Tân |
Quê nội tôi ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Giờ đây, cứ mỗi lần về quê, khi xe chạy lướt qua cầu Quang Thanh, trong lòng tôi lại dâng lên hoài niệm về những chuyến phà trên sông quê, nhất là vào những ngày giáp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, các loại phương tiện ùn ùn dồn về hai đầu phà Quang Thanh.
“Qua sông thì phải lụy đò”, không ít lần tôi chứng kiến nhiều người chở hoa quả, sản vật từ quê sang Hải Phòng bị ngã xe khi lên xuống phà, rồi bị nhỡ hẹn với bạn hàng. Mồ hôi mướt mải trên khuôn mặt họ dù đang là mùa đông.
Trong giai đoạn 2020-2025, Hải Phòng có kế hoạch xây dựng 100 cây cầu, với tổng mức đầu tư gần 38.000 tỷ đồng. Trong đó, rất nhiều cây cầu đảm nhiệm vai trò kết nối với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, như cầu Quang Thanh (398 tỷ đồng), cầu Dinh (269 tỷ đồng) kết nối Hải Phòng - Hải Dương; cầu Bến Rừng (1.940 tỷ đồng), cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng ĐT.352 (1.334 tỷ đồng) kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng; cầu sông Hóa 185 tỷ đồng kết nối Hải Phòng - Thái Bình… |
Tôi nhớ cả tiếng máy thủy gầm rú, đẩy chiếc phà từ từ rời bến, bỏ lại phía sau xoáy nước và ngổn ngang những đám lục bình lững lờ trôi. Những con sóng vỗ oàm oạp vào mạn phà, gió sông Văn Úc hào phóng mang hơi thở của miền phù sa thổi mơn man. Tôi cảm giác như bao nhiêu phiền muộn trong cuộc sống đều tan biến, đều được gió cuốn đi. Mỗi người có công việc khác nhau, cuộc sống khác nhau, nhưng khi đi chung một chuyến phà, nhất là những chuyến phà cận ngày lễ tết, ai cũng có nét mặt, ánh mắt thân thiện, nụ cười vui tươi dễ mến.
Mùa xuân về không chỉ mang không khí đoàn viên, ấm áp tới từng nhà, mà còn thắp lên bao niềm vui và mơ ước trên những chuyến phà đưa khách qua sông. Mặc dù bến phà thời ấy là nỗi ám ảnh với khoảng thời gian chờ đợi khi nhỡ một chuyến phà, nhưng cũng là hình ảnh thân quen của quê hương đã đi vào ký ức của bao nhiêu người.
Hơn 1 năm kể từ ngày cầu Quang Thanh khánh thành (ngày 17/7/2021), bến phà Quang Thanh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nay chỉ còn là dĩ vãng. Giờ đây, cây cầu bề thế đã mở toang cơ hội phát triển của cả vùng quê.
Cầu Quang Thanh không chỉ giúp người dân 3 xã khu đảo Hà Đông là Vĩnh Lập, Thanh Cường và Thanh Quang (huyện Thanh Hà, Hải Dương) đi lại dễ dàng, thuận lợi phát triển kinh tế, mà còn mang lại nhiều lợi thế cho các vùng khác trong huyện. Thay vì chỉ có một hướng duy nhất ra Quốc lộ 5 cũ, thì hàng hóa, nông sản của Thanh Hà sẽ theo cầu Quang Thanh sang Hải Phòng vào Quốc lộ 10, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để đến được nhiều địa phương khác dễ dàng hơn. Khoảng cách giữa Hải Phòng - Hải Dương trước tính bằng thời gian đợi phà hàng giờ, thì nay tính theo phút.
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đánh giá, công trình cầu Quang Thanh đã rút ngắn khoảng cách về vận tải, tăng cường giao lưu hàng hóa. Đây là điều kiện, cơ sở thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng. Công trình đã đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân và của cả lãnh đạo hai địa phương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai tỉnh, thành phố, giúp hai địa phương cùng phát triển.
Nối tiếp những bờ vui
Trước năm 2015, chỉ có Quốc lộ 5 nối Hà Nội - Hải Phòng để ra cảng biển, Hải Phòng gần như biệt lập với các vùng xung quanh bởi sự ngăn cách của các con sông. Ở phía Bắc, sông Bạch Đằng ngăn cách Hải Phòng với Quảng Ninh, không có một cây cầu nào bắc qua, muốn lưu thông chỉ có cách là đi đò, phà và Quốc lộ 10 duy nhất.
Tương tự, ở phía Nam, Hải Phòng ngăn cách với Thái Bình bởi sông Thái Bình, cũng không có cây cầu kiên cố nào, chỉ có cầu phao. Phía Tây, Hải Phòng ngăn cách với Hải Dương bởi sông Kinh Thầy, sông Văn Úc và một số nhánh của sông Thái Bình, hạ tầng cũng kém phát triển.
Nhưng giờ đây, với sự phát triển về kinh tế của các địa phương xung quanh, kết nối hạ tầng giao thông giữa Hải Phòng với Hải Dương, Thái Bình và Quảng Ninh ngày càng hoàn thiện. Hải Phòng đã hoàn thành nhiều tuyến giao thông, nhiều cây cầu quan trọng, giúp xóa bỏ sự ngăn cách với các địa phương xung quanh, thuận lợi cho giao thương.
Có thể kể đến cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy liên kết vùng Tam giác kinh tế phía Bắc. Quan trọng hơn, đây là sự hoàn chỉnh tuyến kết nối Vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động Hạ Long - Quảng Yên - Hải Phòng - Hải Dương - Hà Nội; hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Chỉ tính trong địa phương Hải Phòng, những cây cầu đã mang lại vô vàn niềm vui cho người dân đôi bờ như cầu sông Hàn nối hai huyện Tiên Lãng với huyện Vĩnh Bảo, cầu Khuể thay con phà xưa mà người dân khi đi qua đây đều gọi là phà “khổ”. Những cây cầu này còn định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng Tây Nam của Thành phố.
Còn nữa, cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo với huyện Thái Thụy (Thái Bình); cầu Dinh qua sông Kinh Thầy nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn (Hải Dương)... đã mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp cả vùng.
Những chuyến phà giờ đây đã lùi về dĩ vãng khi cầu Quang Thanh được đưa vào sử dụng Ảnh: Thanh Tân |
Mở ra không gian phát triển mới
Trong những năm qua, Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác, đầu tư, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.
Ba địa phương đã xây dựng, hoàn thành nhiều tuyến cầu, đường mang tính đột phá, trị giá hàng ngàn tỷ đồng, kết nối giao thông, xóa bỏ ngăn cách nhiều vùng, huyện, thành phố, thị xã, tạo thuận lợi cho lưu thông, giao thương. Đầu năm 2022, ba địa phương đã ký kết hợp tác triển khai một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022 - 2025, thống nhất hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể giữa ba địa phương với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hiện, Bến Rừng là cầu thứ ba kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh, sau cầu Đá Bạc và Bạch Đằng. Công trình đang được xây dựng, khi hoàn thành sẽ giúp người dân huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên qua lại nhanh chóng, không phải chờ phà Rừng mất 30-60 phút, hoặc phải đi Quốc lộ 18 rồi vòng ra Quốc lộ 10. Cầu Bến Rừng khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện khai thác tiềm năng của huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên.
Tới đây, cầu Lại Xuân bắc ngang sông Đá Bạc, thay thế bến phà Đụn, nối liền khu vực các xã phía Tây và Tây Bắc huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) sẽ được khởi công xây dựng. Dự án giúp hoàn thiện mạng giao thông kết nối từ Tỉnh lộ 352 đến Tỉnh lộ 333, kết nối giữa Quốc lộ 18 với Quốc lộ 10.
Những công trình giao thông, những cây cầu trong tương lai như đường ven biển, cầu Lạch Họng, cầu Văn Úc không chỉ giúp hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo nên những hành lang, mở rộng không gian phát triển mới cho Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh cùng các tỉnh lân cận.
Không còn nỗi lo khi giao thông bị ách tắc, bà con, họ hàng ở mọi miền quê đến với nhau chỉ cần một hành trình ngắn. Niềm vui xum họp ngày càng nhiều thêm.
baodautu.vn