NHNN hút về 45.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong ba phiên liên tiếp

14/03/2024 - 17:11
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục có động thái hút thêm 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống trong phiên ngày 15/3, theo đó nâng tổng số tín phiếu đang lưu hành lên 45.000 tỷ đồng.

Trong 3 phiên liên tiếp từ 11 đến 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái hút ròng tiền trên thị trường mở qua phát hành tín phiếu. Trong phiên ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục hút gần 15.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống. Trong đó, tổng cộng có 13 thành viên tham gia đấu thầu, trong số đó có 12 thành viên trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở mức 1,4%/năm, kỳ hạn 28 ngày và khối lượng 14.999,7 tỷ đồng.

NHNN hút về 45.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong ba phiên liên tiếp
Hình minh họa.

Trong hai phiên giao dịch trước đó ngày 11 và 12/3, nhà điều hành cũng hút gần 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu với cùng kỳ hạn và lãi suất như trong phiên 13/3.

Theo đó, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu sau hơn 4 tháng tạm ngưng, Ngân hàng Nhà nước đã hút về tổng cộng gần 45.000 tỷ đồng thanh khoản khỏi hệ thống, trong khi không có động thái bơm thêm.

Động thái hút tiền của nhà điều hành diễn ra trong bối cảnh thanh khoản dư thừa khi tín dụng quay đầu giảm trong những tháng đầu năm.Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm mạnh so với mức đỉnh từng đạt được trong ngày 21/2 (4,14%) và đang có xu hướng tiến về mặt bằng thấp được duy trì trong giai đoạn dư thừa thanh khoản vào cuối năm 2023.

Sau động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá đã có xu hướng giảm so với mức đỉnh. Tỷ giá trên thị trường chợ đen, tỷ giá tại ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm phiên 13/3 đều đã hạ nhiệt so với phiên trước đó 11/3.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 0,76%/năm trong phiên 11/3 lên 1,47%/năm trong phiên 12/3; lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 1,29% lên 1,67%/năm.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc NHNN mở lại kênh tín phiếu chủ yếu đến từ áp lực tỷ giá, tương tự như giai đoạn tháng 9/2023.

Tuy nhiên, trong lần can thiệp này, động lực làm tăng tỷ giá chủ yếu đến từ các yếu tố trong nước như nhu cầu USD tăng cao do nhập khẩu phục hồi, hiện tượng giá vàng và bitcoin phá đỉnh thúc đẩy nhu cầu USD tự do tăng cao. Ngược lại, những yếu tố bên ngoài lại đang có xu hướng hạ nhiệt.

Chia sẻ về động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FIDT cho rằng, áp lực tỷ giá lần này khá đặc biệt đối với Việt Nam, đến từ nhiều yếu tố như chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp, cung tiền đồng dư thừa, tỷ lệ tham gia thị trường crypto cao và rủi ro về dòng tiền đầu cơ vào hai thị trường crypto và vàng.

Vị chuyên gia này cho rằng, hành động hút tiền cho thấy Ngân hàng Nhà nước quan ngại về hoạt động đầu cơ và bắt buộc phải ra dấu hiệu tạm dừng dòng tiền đầu cơ bằng biện pháp can thiệp.

Theo đó, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn - kỳ vọng tỷ giá ngân hàng của Việt Nam ở ngưỡng 24.800 - 25.000, với biên độ dao động an toàn nhỏ hơn 3%/năm.

Đánh giá về tác động khi Ngân hàng Nhà nước hút ròng, ông Tuấn cho biết việc phát hành tín phiếu sẽ có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán, nếu được duy trì liên tục trong thời gian sắp tới.

Ông Tuấn đánh giá lượng thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần đây duy trì trên 23.000 tỷ đồng/phiên một phần nhờ vào lượng thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính và lãi suất rẻ kỷ lục chảy vào nền kinh tế.

"Với việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên liên ngân hàng, có thể quan ngại lượng cầu mua của thị trường chứng khoán sẽ giảm phần nào đó, do các rủi ro về thanh khoản ngắn hạn và tâm lý nhà đầu tư," ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng không gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý 2/2024 , trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể.

Tuy nhiên, nên nhìn rủi ro tăng đầu cơ của crypto và vàng là rủi ro cục bộ cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhà quản lý đang nhận ra rủi ro. Sau giai đoạn này, có thể chờ đợi vào xu hướng mới tốt hơn của thị trường.

Dẫu vậy, một nhận định khái quát, ông Tuấn cho rằng tác động của việc hút ròng lần này cũng mang tính ngắn hạn và bối cảnh có tích cực hơn giai đoạn tháng 11/2023.

NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu trong phiên 12/3

Trong phiên giao dịch ngày 12/3, thị trường tiền tệ tiếp tục có diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp ...

Tỷ giá hạ nhiệt sau động thái "hút tiền" của NHNN

NHNN đã hút về gần 30.000 tỷ đồng trong vòng 2 ngày trở lại đây. Trước động thái đó, tỷ giá có dấu hiệu hạ ...

Vân Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán