Cùng mục đích giao dịch, Quỹ đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam, tổ chức có liên quan đến ông Hoàng Xuân Quốc, Ủy viên HĐQT PVS đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện từ ngày 15/2 đến ngày 16/3 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Hiện tại, Quỹ đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam đang nắm giữ 1,4 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch hoàn tất, tổ chức này sẽ nắm giữ 2,4 triệu cổ phiếu PVS.
Trên thị trường, tạm tính theo giá kết phiên 13/2 là 24.300 đồng/cp, ước tính Quản lý quỹ VinaCapital sẽ phải chi khoản tiền 12,15 tỷ đồng và Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam là 24,3 tỷ đồng để thực hiện mua vào số lượng cổ phiếu đăng ký.
Ông Hoàng Xuân Quốc hiện không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của PVS. Được biết, Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) là quỹ mở được quản lý bởi Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital. VESAF được thành lập vào ngày 18/4/2017 và được giám sát bởi Ngân hàng Standard Chartered.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 27/12/2022, quỹ Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 750.000 cổ phiếu PVS, nâng sở hữu từ 28,62 triệu đơn vị lên 29,37 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 5,98% lên 6,14%.
Động thái mua vào hàng triệu cổ phiếu PVS của các tổ chức diễn ra trong bối cảnh giá mã cổ phiếu này hồi phục 35% từ đáy giữa tháng 11/2022. Kết phiên13/2, giá PVS dừng tại 24.300 đồng/cp, mất 36% giá trị so với đỉnh lịch sử cách đây hơn một năm, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt hơn 5,67 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu PVS thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Về kết quả kinh doanh, quý IV/2022 PVS ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.331 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ mảng hợp đồng xây dựng, kế đến là từ mảng cung cấp dịch vụ.
Biên lãi gộp được cải thiện từ 5,3% quý cùng kỳ lên 6,1%. Bên cạnh doanh thu từ hoạt động tài chính mà chủ yếu là lãi tiền gửi và tiền cho vay, PVS còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết hơn 134 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 651 triệu đồng cùng kỳ. Tính đến hết năm 2022, PVS đầu tư 4.873 tỷ đồng vào 6 công ty liên doanh, liên kết, hầu hết hoạt động tại Singapore và Malaysia.
Kết quả quý IV, PVS lãi sau thuế hơn 325 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ quý II/2019. Theo giải trình, kết quả của mảng dịch vụ tàu, dịch vụ dầu khí, dịch vụ cơ khí và đóng mới và lợi nhuận từ công ty thành viên cao hơn cùng kỳ giúp lợi nhuận sau thuế quý cuối năm 2022 của PVS tăng trưởng.
Lũy kế năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.412,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 834,3 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 15% và 11% so với thực hiện năm 2021.
Nguồn: BCTC quý IV/2022 của PVS. |
Năm 2022, PVS lên kế hoạch kinh doanh dự kiến doanh thu hợp nhất ở mức 10.000 tỷ đồng, giảm 30% so với thực hiện 2021; lợi nhuận sau thuế theo đó giảm 28%, còn 488 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, PVS đã vượt 71% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến cuối quý IV/2022, tổng tài sản PVS đạt 25.776,56 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền Công ty giảm 9%, về còn 5.250 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng giảm hơn một nửa xuống còn 1.010,84 tỷ đồng. Ngược lại, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng tới 80%, lên 4.807,3 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn cũng tăng 7%, lên 4.990,5 tỷ đồng.
Ở phía nguồn vốn, nợ đi vay của PVS hơn 1.375 tỷ đồng, giảm 130 tỷ so với ngày 1/1/2022, trong đó nợ dài hạn sắp đến hạn trả là 752 tỷ đồng. Ngoài ra, PVS còn có khoản dự phòng phải trả dài hạn hơn 1.245 tỷ đồng, đây là khoản dự phòng bảo hành các công trình xây dựng, chiếm tỷ trọng hơn một nửa là cho dự án Sao Vàng Đại Nguyệt.
Vốn chủ sở hữu tại ngày cuối kỳ là 12.838 tỷ đồng, bao gồm 4.779 tỷ đồng vốn góp, 3.214 tỷ đồng quỹ đầu tư và phát triển cùng 3.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Quỳnh Nga