Kết thúc 9 tháng năm 2022, Công ty CP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 4.410 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ) và gần 448 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 348% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 77% và 100% kế hoạch năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kết quả doanh thu tăng trưởng tích cực của BMP đến từ mức sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ mức nền thấp của năm 2021 khi ngành nhựa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế còn khả quan hơn cả khi giá nhựa PVC sản xuất đầu vào giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ 9 tháng năm 2022 tăng trưởng tốt từ mức nền thấp của năm 2021.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 74.000 tấn (tăng 11% so với cùng kỳ), đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình tiêu thụ ống nhựa xây dựng trong nước hồi phục từ mức nền thấp của 2021.
Bên cạnh đó, giá bán trung bình tăng mạnh lên trung bình 59.000 triệu đồng/tấn trong 9 tháng năm 2022 (tăng 26% so với cùng kỳ) nhờ việc điều chỉnh giá bán trong nửa đầu năm 2022 khi giá nhựa đầu vào PVC duy trì mức cao.
Dự báo cả năm sản lượng tiêu thụ có thể đạt mức 100.000 tấn giúp doanh thu tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý IV/2022.
Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh trong bối cảnh giá đầu vào sản xuất nhựa PVC giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận gộp trong 9 tháng năm 2022 của BMP đạt 26%, con số này tăng 13% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021 và đã vượt mức biên lợi nhuận gộp trước dịch.
Mặc dù giá nhựa PVC đã điều chỉnh xuống rất mạnh từ 1.400 USD/tấn còn 850 USD/tấn tuy nhiên BMP chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán, điều này giúp biên lợi nhuận gộp quý III/2022 tăng mạnh lên mức 28% và được dự báo sẽ duy trì trong quý IV/2022.
Biên chi phí bán hàng/doanh thu của BMP tăng từ 7,2% trong quý III/2021 lên 8,8% trong quý III/2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ BMP đã tăng chi phí chiết khấu cho các trung tâm phân phối trong bối cảnh giá đầu vào thuận lợi.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của BMP đạt 570 tỷ đồng nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh và quản trị ổn định các khoản tồn kho và phải thu.
Điều này giúp BMP có tổng 1.250 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (chiếm 41% tổng tài sản) trong khi đó chỉ duy trì mức nợ vay thấp khoảng 55 tỷ.
Theo VCBS, vị thế tài chính tốt như vậy sẽ giúp BMP là điểm sáng trong bối cảnh lãi suất tăng cao và có đủ tài chính để trả cổ tức với tỷ suất cao trên 10%.
VCBS cho biết, qua trao đổi với doanh nghiệp, công ty chứng khoán này cho rằng BMP đang trong giai đoạn rất thuận lợi trong ngắn hạn tuy nhiên doanh nghiệp chưa có ý định đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới do những bất ổn về kinh tế.
Theo đó, BMP không bị tác động quá nhiều bởi nguồn cung của thị trường bất động sản vì phần lớn sản lượng tiêu thụ bán vào khu vực dân sinh với mức tăng trưởng ổn định.
Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng trong năm 2023 cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, BMP sẽ cố gắng đẩy sản lượng càng nhiều càng tốt với chất lượng sản phẩm số 1 thị trường.
BMP đánh giá triển vọng kinh tế còn nhiều bất ổn, do vậy chưa có kế hoạch mở rộng công suất trong năm tới mà chỉ có thay thế các máy móc cũ. Theo dự kiến, BMP sẽ mở rộng công suất vào năm 2024. BMP sẽ không chủ động đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho nhiều mà giữ ở mức ổn định để duy trì sản xuất tránh rủi ro biến động lớn của giá PVC.
Hiện tại doanh nghiệp chưa có ý định giảm giá bán trong bối cảnh giá PVC giảm mạnh, nguyên nhân đưa ra là giá bán dựa vào quan hệ cung-cầu hiện tại của thị trường. Theo chia sẻ, BMP sẽ có thể trả cổ tức lần 2 trong năm nay do lợi nhuận tăng trưởng rất tích cực
VCBS cho rằng năm 2022 là năm rất thuận lợi cho ống nhựa xây dựng nói chung và BMP nói riêng khi sản lượng tiêu thụ hồi phục từ mức nền thấp của năm 2021 và giá nhựa đầu vào PVC giảm mạnh.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong các quý tới của BMP sẽ tiếp tục khả quan khi giá đầu vào vẫn chưa chấm dứt đà giảm. Do đó, VCBS dự báo doanh thu thuần trong năm 2022 đạt 5.876 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và 630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 194% so với cùng kỳ).
Kết quả kinh doanh kỳ vọng trong quý IV/2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn và biên lợi nhuận tiếp tục được cải thiện. VCBS tiếp tục khuyến nghị mua BMP với giá mục tiêu 74.500 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu BMP thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Năm 1977, Công ty Ống nhựa hóa học Việt Nam (Kepivi) và Công ty nhựa Kiều Tinh được sáp nhập lấy tên là Nhà máy Công tư hợp doanh Nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ. Sản phẩm chủ yếu trong giai đoạn này là các sản phẩm gia dụng kế thừa từ đơn vị cũ. Ngày 02/01/2004, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh chính thức hoạt động với tên giao dịch là Bình Minh Plastics Joint-Stock Company, viết tắt là BMPLASCO.Ngày 11/7/2006 chính thức giao dịch trên Thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán BMP. |
Linh Đan