Những bài học kinh nghiệm thực tiễn qua hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2022

06/01/2023 - 15:01
(Bankviet.com) Từ thực tiễn hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2022, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm phục vụ cho công tác quản lý, công tác tham mưu, xử lý tình huống kịp thời và phản ứng chính sách trong thời gian tới.

Năm 2022 là năm khó khăn kép đối với hoạt động ngân hàng, do những tác động ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và từ diễn biến địa chính trị phức tạp, lạm phát và suy giảm kinh tế tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới…. Tất cả các yếu tố này đã tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh tế trong nước và yêu cầu về điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt với nhưng thách thức chung đó. Trong điều kiện như vậy, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì sự ổn định, tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.

Có được kết quả ấn tượng này là nhờ hội tụ đủ các yếu tố từ cơ chế chính sách và điều hành chính sách của Ngân hàng Trung ương (NHTW); công tác quản lý; việc thích ứng và chống chịu vượt qua khó khăn của tổ chức tín dụng (TCTD) đến công tác thông tin truyền thông.

Từ thực tiễn hoạt động, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm phục vụ cho công tác quản lý, công tác tham mưu, xử lý tình huống kịp thời và phản ứng chính sách trong thời gian tới.

Bài học về chủ trương, chính sách trúng đúng và phản ứng chính sách kịp thời

Trước những khó khăn của người dân, doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với yêu cầu về hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế, NHTW đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất hợp lý, phù hợp để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của năm đồng thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng.

Trong đó, các chính sách về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp; triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ; các chương trình tín dụng ưu đãi… đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả và trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp về chi phí; về lãi suất và giảm áp lực trả nợ vay. Qua đây giúp doanh nghiệp và hỗ trợ cho kinh tế thành phố phục hồi và tăng trưởng nhanh.

Chính sách của NHTW được doanh nghiệp, nhà quản lý đánh giá rất cao bởi tính trúng, đúng và hiệu quả. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng của NHTW tiếp tục được thực hiện tốt hỗ trợ và phối hợp với các chính sách khác để tập trung vốn cho nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng thúc đẩy và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi kinh tế.

Kết quả đạt được của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng còn mang đậm dấu ấn điều hành chính sách tiền tệ của NHTW bằng việc phản ứng chính sách kịp thời thông qua việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành; điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá giao ngay; điều chỉnh hạn mức tín dụng… phù hợp với tình hình và chủ động thích ứng với diễn biến và xu hướng trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt khi lạm phát, lãi suất tại nhiều quốc gia tăng  cao.

Bài học về thực thi trách nhiệm nhiệm vụ địa phương của NHTW

Đây là bài học có ý nghĩa quan trọng và quyết định đối với hiệu quả chính sách. Chủ trương chính sách trúng và đúng nhưng nếu không được tổ chức triển khai thực hiện tốt cũng sẽ hạn chế rất nhiều tác động và hiệu quả trên thực tế.

Theo đó, năm 2022 dù với hệ thống cơ chế chính sách chủ động (ban hành ngay từ đầu năm, khi chưa phát sinh các yếu tố bên ngoài) hay cơ chế chính sách điều chỉnh, ban hành mới nhằm phù hợp với tình hình và yêu cầu mới, ngành Ngân hàng thành phố đều đã tổ chức triển khai thực hiện tốt, kịp thời trên địa bàn nhất là các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bài học này yêu cầu thực hiện tốt tất cả các khâu của quá trình, từ công tác chỉ đạo thực hiện; công tác theo dõi, nắm bắt, báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện; công tác kiểm tra giám sát thực hiện; công tác đối thoại và phản biện chính sách đến công tác truyền thông. Theo đó, đòi hỏi yêu cầu thực thi với tinh thần trách nhiệm cao của ngành Ngân hàng thành phố để đảm bảo đưa cơ chế chính sách đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả.

Bài học về khả năng thích ứng và chống chọi vượt qua khó khăn

Đây là bài học đặc biệt có ý nghĩa trong mỗi giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Các khó khăn phát sinh là khác nhau tùy theo nguyên nhân và yếu tố tác động. Song đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nền kinh tế và các thị trường. Trong đó sự biến động của các yếu tố liên quan đến lãi suất, lạm phát, tỷ giá… giá cả nguyên vật liệu và các thị trường sẽ tác động ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và yêu cầu ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Năm 2022, ngoài tác động khách quan, những tồn tại hạn chế nội tại phát sinh từ thị trường chứng khoán; bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã tác động ảnh hưởng nhất định đến hoạt động ngân hàng, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, người gửi tiền và yêu cầu về ổn định thị trường tiền tệ. Song các TCTD nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã thích ứng linh hoạt và chống chọi hiệu quả góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Kết quả này tạo điều kiện để ngành Ngân hàng hoàn thành tốt nhiệm vụ địa phương tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực và khả năng vượt qua khó khăn thách thức trong hoạt động của TCTD, góp phần củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp đối với chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố và cả nước.

Bài học về công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách

Việc ổn định tâm lý người dân, tâm lý người gửi tiền và củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp đối với chính sách tiền tệ, cũng như tin tưởng vào việc việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh có những yếu tố tác động không tích cực đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Bài học này yêu cầu làm tốt công tác truyền thông chính sách, qua đó để người dân hiểu rõ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hiểu rõ quyền và lợi ích người gửi tiền, cũng như việc được pháp luật bảo đảm lợi ích người gửi tiền trong mọi trường hợp, là rất quan trọng. Không chỉ bảo đảm cho thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm của người gửi tiền, ý nghĩa “ích nước lợi nhà” của hình thức tiền gửi tiết kiệm dân cư mà hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đã, đang duy trì, khai thác và sử dụng hiệu quả sản phẩm dịch vụ này.

Bài học về tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm sẻ chia; khơi dậy khát vọng phát triển, niềm tự hào và truyền thống yêu nước của mỗi cán bộ nhân viên ngành Ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng

Sự phối hợp, đồng thuận và trách nhiệm trong thực thi chính sách của NHTW, nhất là chính sách lãi suất, tỷ giá, chính sách tín dụng, góp phần cùng với các công cụ điều hành khác của NHTW phát huy hiệu quả; đồng thuận, trách nhiệm và sáng tạo trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như cung cấp và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Ý nghĩa của bài học này, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, cho hệ thống các TCTD mà còn giáo dục tư tưởng đạo đức cán bộ nhân viên ngân hàng, khơi dậy niềm tự hào và truyền thống yêu nước, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Nguyễn Đức Lệnh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ