Những bài học nhớ đời khi “mua theo tin đồn, bán theo tin tức”

20/09/2023 - 20:13
(Bankviet.com) Trong đầu tư chứng khoán, việc quyết định mua hay bán một cổ phiếu nào đó của nhà đầu tư là hệ quả của việc hiểu biết về nó, dù ít hay nhiều. Dù tự mình nghiên cứu, tìm hiểu hay mua bán theo tin tức trên thị trường thì cũng cần biết nó "tốt" hay "không còn tốt". Kiến thức cơ bản này cũng là thứ tôi thiếu dẫn tới thua lỗ, khi cố bỏ qua yếu tố rủi ro của cổ phiếu.

Cổ phiếu không chỉ là phần tài sản đại diện cho doanh nghiệp được chuyền tay qua lại trên thị trường, nó còn thể hiện vị thế doanh nghiệp trong con mắt của giới đầu tư. Việc một công ty gặp sự cố nào đó sẽ ngay lập tức được phản ánh vào giá cổ phiếu. Về phía nhà đầu tư, nếu họ đánh giá được mức độ tốt xấu của thông tin thì sẽ không gặp phải cảnh thua lỗ.

Tôi đã từng bất chấp rủi ro và cố mua cổ phiếu dù biết là mình có thể lỗ nếu thị truờng phản ứng xấu. Cho dù công ty có tốt đến đâu, lợi nhuận thế nào nhưng nếu doanh nghiệp không chú trọng đến quản trị thì giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta vẫn hay nhầm lẫn giữa tình hình của công ty và biến động của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tin tốt có thể không phản ánh tích cực vào giá nhưng tin xấu thì hầu như lại có tác động ngay đến giá cổ phiếu.

Những bài học nhớ đời khi “mua theo tin đồn, bán theo tin tức”
Ảnh minh họa

Tôi đã từng gặp phải câu chuyện đó, khi không đánh giá đúng độ rủi ro của cổ phiếu đến từ vấn đề quản trị của công ty. Một công ty từng dính “phốt” trước đây sẽ để lại ấn tượng không tốt đối với nhà đầu tư, dù cho công ty đó đã cố gắng khắc phục. Đến đây hãy nói về những người "đánh xuống" để gom cổ phiếu cho một chuyến tàu mới. Họ cố gắng dựa vào những tin xấu của quá khứ để dụ nhà đầu tư lâu năm bán ra. Hành động "rung cây doạ khỉ" đó cũng khiến nhà đầu tư cá nhân lo sợ cắt lỗ, rồi tiếc nuối khi giá lên.

Vấn đề ở đây là mua và bán không đúng lúc, nhưng đó là hệ quả của việc đánh giá thông tin không đúng. Sự tác động của thông tin có thể trực tiếp hay gián tiếp, nhưng điều đó đã làm sai lệch giá trị của cổ phiếu trên thị trường, khiến nhà đầu tư ra quyết định sai lầm.

Việc mất tiền của tôi cũng do đặt niềm tin vào một cổ phiếu như thế. ITA (Công ty CP Tập đoàn Tân Tạo) vốn là một blue chip với vốn hoá lớn và không dễ bị thao túng. Xét về phương diện đó thì đây là một cổ phiếu khá an toàn để đầu tư lâu dài, cũng như không dễ "gãy" khi gặp phải một lượng bán lớn. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để tôi dành hơn 30% vốn để đầu tư vào đây.

Sai lầm đã xuất hiện từ đó. Chính vì đó đã từng là bluechip, lại không dễ để đánh lên hay đánh xuống nhưng tôi lại quá chú tâm đến các diễn biến trong phiên để quyết định đầu tư, mà các diễn biến đó hay bị gắn với tin đồn. Nhận thấy có khối lượng lớn lệnh kê mua ở các mức giá khác nhau, tôi đoán là có tay to nào đang âm thầm mua gom, và với số lượng mua tôi đã quan sát mấy ngày qua thì tôi nghĩ chắc chắn đây là thời điểm phù hợp để mình “xuống tiền”.

Trước đó, tôi đã tham gia mấy hội nhóm nhận định đầu tư chứng khoán, trong đó có nhiều bậc đàn anh kinh nghiệm. Họ chia sẻ bài học về đầu tư cổ phiếu lớn. Nếu đã quyết định đầu tư vào blue chip thì phải có chút kiên nhẫn và “tinh thần thép”. Ấy vậy mà tôi lại mất kiên nhẫn, cứ bán rồi mua theo tin đồn và lời “hiệu triệu lên tàu”, mua rồi bán ITA để rồi tổng kết lại thì bị lỗ khá nhiều, đến hơn 20%. Chính việc mua theo tin đồn lan truyền trên mạng nên tôi đã không giữ được bình tĩnh.

Một bài học khác là ví dụ điển hình cho việc mất bình tĩnh trong đầu tư là cổ phiếu APC (Công ty CP Chiếu xạ An Phú). Đây là một “cổ phiếu tăng trưởng”, một công ty có nền tảng tốt và lĩnh vực kinh doanh khá đặc thù. Lúc đó, thị trường đang đánh giá rất cao APC với hàng loạt tin tốt được "bơm" ra liên tục trong vài ngày. Tư tưởng của mọi người trong nhóm là “cứ mua là thắng”. Không chần chừ, tôi vội xuống tiền, lại còn mua thêm liên tục. Bỗng nhiên, sức mua giảm mạnh và cùng với đó có tin xấu xuất hiện. Khi ấy tôi rất lo lắng vì cổ phiếu chưa về và APC đã giảm sâu. Động thái này khiến nhiều người không kịp trở tay. Tất nhiên là tôi đã lỗ nặng do cái kiểu mua bán bạt mạng như vậy.

Bài học rút ra ở đây là không nên phân biệt cổ phiếu tốt hay xấu dựa theo các tin đồn không kiểm chứng vì những thông tin đó, dù có từ nguồn uy tín đến đâu cũng không thể phản ánh chính xác giá trị và xu hướng giá của cổ phiếu.

Cũng không quan trọng dù là blue chip hay penny mà cần nhìn vào doanh nghiệp đó hoạt động trong cả một quá trình. Bên cạnh đó, cần dựa vào xu hướng tương lai mà xu hướng đó không thể đến từ tin đồn mà phải theo dõi dòng tiền sẽ đổ vào đâu.

Các nhà đầu tư thời nay đã cẩn thận hơn nhiều với các tin đồn, nhưng đầu tư là công việc có khi bị cảm xúc hứng khởi lấn át, do đó lúc nào cũng phải tỉnh táo trước mọi diễn biến thị trường, nhất là việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong giao dịch.

Đinh Thành Trung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán