Lợi thế cạnh tranh bền vững trong tiếng Anh là Sustainable competitive advantage.
Lợi thế cạnh tranh bền vững là những tài sản của công ty, thuộc tính hoặc tính năng khó có thể sao chép hoặc vượt qua; cung cấp một vị trí dài hạn hoặc thuận lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Theo Michael Porter, lợi thế cạnh tranh bền vững có nghĩa là doanh nghiệp phải liên tục cung cấp cho thị trường một giá trị đặc biệt mà không có đối thủ cạnh tranh nào có thể cung cấp được.
Hình minh họa - nguồn internet |
Đặc trưng của doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững
Lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp có 4 đặc trưng:
Có tính giá trị, có thể giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Có tính độc đáo, kết hợp với các nguồn lực bằng một phương thức độc đáo.
Nó có tính chất nội sinh, sự sản sinh của nó là kết quả tác động lẫn nhau giữa các đơn vị, các cá nhân trong tổ chức, thông qua sự phối hợp và tổ chức các nguồn lực kĩ thuật của doanh nghiệp tạo ra năng lực cơ bản của doanh nghiệp.
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được hình thành trong quá trình học tập, tích lũy của doanh nghiệp, không thể mua được trên thị trường, người khác khó bắt chước.
Warren Buffett từng nói: “Bạn phải hiểu khi nào lợi thế cạnh tranh là lâu bền, và khi nào là phù du. Ý tôi là, bạn phải tìm hiểu sự khác biệt giữa công ty thường thường và Coca-Cola. Điều đó không quá khó để thực hiện”. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán có nhiều biến động, nhà đầu tư nên đánh giá và lựa chọn các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững để đưa vào danh mục đầu tư của mình để đạt được hiệu quả đầu tư tốt nhất.
Phân tích lợi thế cạnh tranh bền vững
Có hai cách thức chủ yếu để phân tích lợi thế cạnh tranh bền vững là phân tích nguồn lực và phân tích chuỗi giá trị.
Phân tích nguồn lực
Phân tích nguồn lực cho thấy các dự trữ về nguồn lực, khả năng và các tài sản sẵn có cho đơn vị kinh doanh hay ở toàn doanh nghiệp.
Khi phân tích thường tập trung vào các nguồn lực tài chính (ngân quĩ, vốn, khả năng vay nợ), các tài sản vật chất (đất đai, máy móc thiết bị, nhà xưởng); nguồn nhân lực (kĩ năng, nhiệt huyết của các cán bộ nhân viên, các nhà quản trị); các tài sản vô hình (thương hiệu, các giá trị và văn hóa của công ty); các tài sản về công nghệ (bản quyền, bằng sáng chế) và các hợp đồng dài hạn.
Điều quan trọng là các nhà phân tích phải nhận diện rõ được nguồn lực đóng góp vào khả năng tạo ra thu nhập và giá trị cho doanh nghiệp, chứ không phải liệt kê nguồn lực.
Phân tích chuỗi giá trị
Phân tích chuỗi giá trị sẽ giúp cho nhà hoạch định chiến lược phân loại được các nguồn lực có giá trị của doanh nghiệp để nhận dạng được các lợi thế cạnh tranh của mình.
Phân tích chuỗi giá trị cho phép các doanh nghiệp hiểu được mắt xích tạo ra giá trị cho sản phẩm của mình và mắt xích không tạo ra giá trị; từ đó có thể cung cấp cho khách hàng một sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) có giá trị tương đương với đối thủ cạnh tranh của mình nhưng với chi phí thấp hơn (chiến lược chi phí thấp); hoặc bằng cách nào để sản xuất được sản phẩm mà khách hàng muốn mua với giá cao hơn (chiến lược khác biệt hóa).
Đại Dương