Với chủ trương đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, đầu năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình hội nhập sâu rộng của nước ta vào nền kinh tế thế giới. Thời kỳ đó, nền kinh tế nước ta phát triển hết sức sinh động; thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư cả trong nước và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mở rộng và đa dạng thị trường nhất là chính sách khuyến khích xuất khẩu. Xuất khẩu trở thành động lực phát triển, các thị trường bất động sản (BĐS), chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối, kinh doanh vàng… hoạt động rất sôi động.
Năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt 8,48% so với năm 2006, là năm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, những tháng đầu năm sau đó (năm 2008), diễn biến nền kinh tế thế giới vô cùng phức tạp: giá xăng dầu tăng đột ngột từ khoảng 70 USD/thùng lên đến gần 140 USD/thùng, giá gạo từ bình quân khoảng 300 USD/tấn lên gần 1.000 USD/tấn, kéo theo biến động giá sắt thép, vật liệu xây dựng, phân bón… và trầm trọng hơn là việc cho vay nhà ở dưới ‘CHUẨN’ của một số ngân hàng thương mại ở Mỹ, không thu hồi được nợ, phát sinh nợ xấu dẫn đến mất khả năng thanh khoản, rồi lan rộng cả hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường BĐS ở Mỹ, sau đó lan rộng ra các nước dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài đến năm 2010.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lần này được so sánh như Đại khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1929-1933. Trước tình hình đó, Việt Nam cũng phải chịu tác động hết sức nặng nề, dẫn đến kinh tế suy giảm, các thị trường BĐS, chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối, vàng… chao đảo và các công cụ lãi suất, tỷ giá biến động mạnh. Nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, nhất là thâm hụt cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, gia tăng bội chi ngân sách, giá cả biến động mạnh, hoạt động doanh nghiệp lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Thị trường lao động bị thu hẹp, người công nhân mất việc làm, đời sống một bộ phận người dân vô cùng khó khăn. Thời điểm đó, nước ta chịu áp lực khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trong bối cảnh còn là nước thu nhập bình quân đầu người thấp. Dự trữ ngoại hối mỏng, thấp hơn nhiều theo tiêu chuẩn của IMF. Mặt khác, Việt Nam đang trong quá trình cải cách thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, mặt nào đó chưa tương thích với chuẩn mực, thông lệ tốt nhất của quốc tế. Đây cũng là thời kì sàng lọc hoạt động doanh nghiệp sau thời gian phát triển nhanh, mạnh mẽ nhưng chưa đảm bảo các chỉ số phát triển bền vững.
Lúc đó, hệ thống ngân hàng thương mại cũng tương tự như sự phát triển của doanh nghiệp; hệ thống ngân hàng thương mại còn rất non trẻ, một bộ phận chưa đáp ứng được các nguyên tắc Basel II, nhất là chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn, chưa ổn định chính sách. Qui mô vốn nhỏ bé, chưa áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như các nước phát triển trước. Trình độ nhân viên, trình độ quản trị hầu hết các ngân hàng chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực này và đặc biệt chịu sự tác động yếu kém của hoạt động doanh nghiệp. Giai đoạn đó, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng thương mại.
Đứng trước những những khó khăn đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH Việt Nam) luôn luôn thể hiện vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm đã đồng hành với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam): Tham gia hình thành các chính sách và điều chỉnh chính sách để thích nghi, thích ứng với diễn biến thị trường.Triển khai kịp thời các chính sách của Chính phủ, của NHNN Việt Nam đến các tổ chức tín dụng (TCTD) thành viên. HHNH Việt Nam thường xuyên bám sát và theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, các thông tin kết quả hoạt động phản ánh đến Chính phủ, NHNN Việt Nam một cách thẳng thắn, kịp thời và động viên, chia sẻ, đồng hành với những khó khăn của các TCTD thành viên. Song song với đó, HHNH Việt Nam học hỏi, chọn lựa những kinh nghiệm hay, hiệu quả của HHNH các nước bạn để đề xuất điều chỉnh chính sách và các biện pháp, giải pháp điều hành, xử lý tình huống tương tự từ kinh nghiệm thành công của các nước để Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam có thể lựa chọn vận dụng vào nước ta.
Theo chủ trương của Đảng, Quốc hội khoá XII phê chuẩn nhiệm kỳ Chính phủ khoá này chỉ có 4 năm, nhiệm kỳ bắt đầu từ tháng 7/2007 kết thúc vào tháng 7/2011. Tôi giữ trọng trách người đứng đầu NHNN Việt Nam (trước đó, tôi đã kinh qua 5 năm 4 tháng với chức trách Phó Thống đốc NHNN Việt Nam). 4 năm giữ trọng trách người đứng đầu ngành Ngân hàng được một số bạn đồng nghiệp và không ít chuyên gia, phóng viên một số tờ báo lúc đó ví von Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thi hành chức trách luôn luôn ở trạng thái ĐI TRÊN DÂY, bởi các thị trường biến động liên tục, mà sứ mệnh điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, của NHNN Việt Nam phải kiểm soát được mục tiêu lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, hạn chế tác động xấu, tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, phải giữ an toàn hệ thống các TCTD…. Cũng rất may mắn cho tôi, quá trình thực thi nhiệm vụ, tôi luôn luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của bộ, ngành địa phương và hơn hết là tinh thần làm việc lăn xả của cán bộ toàn hệ thống ngành Ngân hàng, trong đó có sự đồng hành, cộng sự nhiệt tình, nhiệt huyết của HHNH Việt Nam và đặc biệt Chủ tịch HHNH Việt Nam thời kỳ đó là anh Phạm Huy Hùng và Tổng Thư ký HHNH Việt Nam là chị Dương Thu Hương.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập HHNH Việt Nam (14/5/1994 – 14/5/2024), tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng và lòng biết ơn đến tất cả cán bộ HHNH Việt Nam các thời kỳ và xin kính chúc đến tất cả các anh, chị đã, đang công tác tại HHNH Việt Nam và gia đình luôn luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công trong công việc, mọi điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Chúc HHNH Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển ngành Ngân hàng thân yêu của chúng ta
TTTCTT