Giá thị trường của cổ phiếu được xác định và đo lường bởi giá cổ phiếu có được từ kết quả khớp lệnh giao dịch. Giá trị thị trường của cổ phiếu chịu tác động của nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài của doanh nghiệp. Sự biến động giá trị thị trường của cổ phiếu là sự thay đổi trong mức giá giao dịch trên thị trường chứng khoán của các công ty niêm yết. Biến động giá trị thị trường của cổ phiếu được hiểu là sự không chắc chắn của những thay đổi trong giá của cổ phiếu xung quanh giá trị trung bình của chính cổ phiếu đó. Một cổ phiếu được cho là có mức biến động cao khi giá cổ phiếu trong giai đoạn đó có độ lệch lớn khi so sánh với mức giá trị trung bình của chính cổ phiếu đó, ngược lại, một cổ phiếu được cho là có mức biến động thấp khi giá cổ phiếu trong giai đoạn đó có độ lệch không lớn khi so sánh với mức giá trị trung bình của nó.
Để phân tích, xem xét về giá trị thị trường cổ phiếu ngân hàng thương mại thì có nhiều yếu tố tác động nhưng qua phân tích và tìm hiểu, 8 yếu tố sau có ảnh hưởng chính:
Tăng trưởng GDP: Có tồn tại mối quan hệ cùng chiều giữa GDP và biến động giá cổ phiếu khi phân tích các nhân tố tác động đến sự biến động giá cổ phiếu của hơn 10 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán theo thống kê trong thời gian vừa qua trên thị trường.
Tỷ lệ lạm phát: Khi nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô đến giá của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, Aurangzeb và cộng sự (2012) cũng chỉ ra rằng lạm phát có mối quan hệ ngược chiều với giá cổ phiếu. Trong thời gian qua theo thống kê trên thị trường chứng khoán Việt Nam với nhóm ngành cổ phiếu Ngân hàng cũng cho thấy điều đó.
Lãi suất: Khi tìm hiểu về mối quan hệ giữa lãi suất và giá cổ phiếu ở các nước phát triển và các nước đang phát triển, kết quả nghiên cứu của Mahmudul và Uddin (2009) đã cho thấy lãi suất có tác động ngược chiều đến giá cổ phiếu ở các nước phát triển và các nước đang phát triển: Úc, Đức, Ý, Jamaica, Nhật, Malaysia, Mexico. Do đó, lãi suất giảm có tác động tốt cho ngân hàng, giá cố phiếu thường tăng lên.
Quy mô ngân hàng: Các ngân hàng lớn thường cung cấp cơ hội dịch vụ ngân hàng tốt hơn cho khách hàng hơn những ngân hàng nhỏ. Các ngân hàng nhờ quy mô lớn hơn nói chung có vị trí mạnh hơn và chiếm ưu thế hơn trên thị trường cạnh tranh. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn thường được giao dịch tích cực hơn trên thị trường chứng khoán, bởi vì cổ phiếu của các ngân hàng lớn cung cấp tính thanh khoản cao hơn đối với các nhà đầu tư.
Tỷ số P/E: Thu nhập từ cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng đến giá thị trường của cổ phiếu. Tỷ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường và thu nhập của mỗi cổ phiếu. Tỷ số P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá bao nhiêu cho một đồng thu nhập. Nếu tỷ số P/E cao thì điều đó có nghĩa là nhà đầu tư dự kiến tốc độ tăng cổ tức cao trong tương lai; cổ phiếu có rủi ro thấp nên các nhà đầu tư thoả mãn với tỷ suất vốn hóa thị trường thấp; dự đoán công ty có tốc độ tăng trưởng trung bình và sẽ trả cổ tức cao.
Tỷ số giá trị ghi sổ trên giá thị trường (B/M): Tỷ số giá trị sổ sách trên giá thị truờng (B/M) là chỉ tiêu để xác định giá trị thực sự của một công ty bằng cách so sánh giá trị kế toán (giá trị ghi sổ) với giá trị thị trường của công ty đó. Giá trị kế toán được tính dựa trên những con số đã ghi nhận trên sổ kế toán, như giá trị tài sản cố định, tài sản lưu động hay tính toán qua nguồn vốn gồm có nguồn vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Đây là những tài sản đã được ghi nhận trong quá khứ, tức là từ khi công ty sở hữu tài sản này và theo nguyên tắc giá phí lịch sử thì nó được giữ nguyên đến khi tài sản đó mất đi. Do vậy, có thể nói giá kế toán là tổng giá trị tài sản của công ty tính trong một thời kỳ nhất định, thường trong một niên độ kế toán và chỉ thay đổi khi có sự thay đổi quy mô hay cơ cấu tài sản.
Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS): Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) được thể hiện như một chỉ tiêu thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của ngân hàng thương mại. Chỉ tiêu này càng cao thì cổ phiếu của ngân hàng này càng hấp dẫn. Ngân hàng nào có thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lớn hơn thì phản ảnh hiệu quả hoạt động của ngân hàng tính cho mỗi cổ phần cũng tốt hơn. Vì vậy, đây là tiêu chí được các nhà đầu tư xem xét khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu.
Chỉ tiêu chênh lệch thời lượng (DGAP): Rủi ro lãi suất là rủi ro mà ngân hàng phải gánh chịu khi có sự biến động bất lợi của lãi suất đối với thu nhập, giá trị tài sản, giá trị nợ phải trả và giá trị cam kết ngoại bảng của ngân hàng. Rủi ro lãi suất của ngân hàng có thể xuất phát từ hoạt động đầu tư, hoạt hoạt động huy động vốn và cho vay. Chỉ tiêu chênh lệch thời lượng là chỉ tiêu căn bản và phổ biến được sử dụng để đo lường tác động của rủi ro lãi suất đến giá trị tài sản ròng của ngân hàng thương mại. Thời lượng (duration) là chỉ tiêu thời hạn trung bình có trọng số dùng để đo lường thời hạn của tất cả dòng tiền vào từ tài sản sinh lợi và dòng tiền ra từ nợ phải trả.
Ngoài những yếu tố này, còn có những yếu tố tác động khác ảnh hưởng chung đến tất cả các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng như tác động của thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, căng thẳng địa chính trị,...
Tài liệu tham khảo
[1] thitruongtaichinhtiente.vn ngày 13/03/2022, Các động thái của thị trường tài chính thế giới đầu năm 2022 và những tác động tới thị trường tài chính Việt Nam, https://thitruongtaichinhtiente.vn/cac-dong-thai-cua-thi-truong-tai-chinh-the-gioi-dau-nam-2022-va-nhung-tac-dong-toi-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-39684.html.
[2] Aurangzeb, B., Whitten, K. E., Harrison, B., Mitchell, M., Kepreotes, H., Sidler, M., ... & Day, A. S. (2012). Prevalence of malnutrition and risk of under-nutrition in hospitalized children. Clinical nutrition, 31(1), 35-40.
[3] Mahmudul, A., & Gazi, S. U. (2009). Relationship between interest rate and stock price: Empirical Evidence from developed and developing countries. International Journalof Businessand Management, 4(3), 43-51