Ninh Thuận: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

09/04/2024 - 01:38
(Bankviet.com) Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng “Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo”.
Ninh Thuận lan tỏa, quảng bá các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024 Ninh Thuận ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo

Khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh

Nằm ở khu vực Nam Trung bộ, tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển năng động, Ninh Thuận tuy là tỉnh nhỏ nhưng lại hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Ninh Thuận được thiên nhiên ưu đãi, vừa có biển vừa có núi và các loại hình phương tiện giao thông đa dạng. Những thế mạnh của Ninh Thuận là điều không ít địa phương có được, hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch phát triển mạnh.

Với tiềm năng vốn có, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, thời gian qua, tỉnh đã từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch trải nghiệm. Tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện tại, phát triển sản phẩm mới có tính cạnh tranh; hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong khu vực, tạo ra tính hấp dẫn cao, xây dựng hình ảnh và thương hiệu riêng có của địa phương.

Ninh Thuận Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Vịnh Vĩnh Hy

Hiện nay, Ninh Thuận đang sở hữu các chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách như lướt ván diều (khu vực biển Mỹ Hòa); tham quan đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh bằng xe UAV (4 bánh), ATV (2 bánh), khai thác và đưa vào hoạt động sân golf tại Nara Bình Tiên Golf & Beach Resort... được du khách quốc tế chọn là điểm đến ưa thích, giới truyền thông và các hãng lữ hành trong nước đánh giá cao.

Ngoài ra, việc phát triển và mở rộng mới dịch vụ tại các vườn nho trên địa bàn tỉnh như: Xã Nhơn Sơn, Phước Thuận, Thái An; tháp Po Klong Garai, làng sen Mỹ Nghiệp, làng bích họa Hòn Thiên, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa Láng Me, đồng cừu An Hòa...

Riêng trong năm 2023, tỉnh đã tham gia và tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, điểm nhấn đặc biệt ấn tượng để thu hút khách như: Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023; Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Cần Thơ; Chương trình lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”; Lễ hội nho - vang Ninh Thuận năm 2023…

Với các giải pháp đó, trong năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt hơn 2,9 triệu lượt, tăng 20,8% so với cùng kỳ, đạt 107,4% so với kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 555 ngàn lượt khách, đạt 17,3% kế hoạch và tăng 10,9% so cùng kỳ.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng “Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo”, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Du lịch Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ trở thành điểm đến của du khách.

Ninh Thuận Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Hang Rái - Ninh Thuận

Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 684/KH-UBND ngày 20/2/2024 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người và danh lam thắng cảnh du lịch Ninh Thuận; đặc biệt giới thiệu Ninh Thuận là điểm đến hấp dẫn, thân thiện đến với nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch và phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Huy động sự tham gia của các cấp, các ban, ngành cấp tỉnh, địa phương trong tỉnh và người dân hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng xác định tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm mới các loại hình, dịch vụ đa dạng, độc đáo; gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch golf; du lịch ẩm thực... mang nét riêng của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, đẩy nhanh quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, thuộc khu vực dải không gian ven biển của tỉnh, với địa giới hành chính của TP. Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam; phát triển trọng tâm là các hoạt động kinh tế du lịch khai thác các giá trị kinh tế biển, các giá trị sinh thái cảnh quan đa dạng, có tính đặc thù cao góp phần tạo dựng môi trường biển độc đáo, tạo dựng thương hiệu riêng thông qua việc khai thác các điểm nhấn khác biệt so với các tỉnh khác...

Trong nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm. Trong số đó, dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm chủ yếu để có cơ sở triển khai trong tương lai.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận ký kết hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, giai đoạn 2024-2025.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 2 địa phương Ninh Thuận và Phú Yên trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động, sự kiện thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch giữa 2 địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, trao đổi, liên kết, hợp tác trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; tăng cường giới thiệu, quảng bá sâu, rộng hình ảnh du lịch, quê hương, con người Ninh Thuận - Phú Yên thông qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế; xây dựng chương trình, tour du lịch “2 địa phương - Một điểm đến” để thu hút du khách trong thời gian tới.

Ngoài ra, 2 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Phú Yên còn phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế.

Kim Xuyến

Theo: Báo Công Thương