Nợ xấu gia tăng, bộ đệm dự phòng suy yếu, ngân hàng cần ứng xử ra sao?

25/04/2024 - 20:12
(Bankviet.com) Thông tư 02 tiếp tục được gia hạn trong thời gian tới, theo đó nợ xấu sẽ chỉ được đẩy về tương lai chứ không thực sự được giải quyết, khiến triển vọng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng càng gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng hiện đang ở mức cao và có nguy cơ gia tăng. Các biện pháp như giãn, hoãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời, không xử lý triệt để vấn đề nợ xấu mà chỉ lùi thời gian xử lý.

Nợ xấu gia tăng, bộ đệm dự phòng suy yếu, ngân hàng cần ứng xử ra sao?
Hình minh hoa.

Tính đến thời điểm kết thúc năm 2023, ngành ngân hàng đã chứng kiến sự bùng nổ trong tăng trưởng tín dụng, đây cũng là nguyên nhân góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể từ 2,24% ở cuối quý 3 xuống còn 1,93%. Tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế mới chỉ ở mức 0,26%, nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng lại có xu hướng tăng vọt. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã tăng vượt qua ngưỡng 3%, một mức đáng báo động so với các năm trước.

Thực tế cho thấy, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản không dễ thực hiện.

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng, nhưng dự phòng rủi ro không tăng tương xứng, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/tổng nợ xấu) của ngành ngân hàng suy giảm. Thậm chí, một số ngân hàng giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, qua đó ghi nhận lợi nhuận khả quan, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giờ đây cũng đã giảm xuống dưới mốc 100%, là một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ không thu hồi được.

Nợ xấu không chỉ gia tăng tại các ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ, mà còn ở cả các ngân hàng lớn. Điều này cho thấy một vấn đề rộng hơn trong quản lý rủi ro và chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, đòi hỏi sự chú ý và can thiệp kịp thời từ các cơ quan quản lý.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong bối cảnh nợ quá hạn tăng cao, nhiều khách hàng của các ngân hàng thương mại lại thể hiện thái độ bất hợp tác, gây khó khăn trong việc thương lượng và giải quyết nợ. Điều này buộc các ngân hàng phải chuyển hướng sang giải pháp tố tụng để thu hồi nợ, thường mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.

Mặt khác, không ít đương sự cố tình gây ra các tranh chấp bên thứ ba, thậm chí khởi kiện ra tòa án nhằm kéo dài thời gian xử lý các tài sản bảo đảm. Điều này không chỉ làm phức tạp thêm quá trình thu hồi nợ, mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho các ngân hàng trong việc bán đấu giá tài sản.

Về phía các ngân hàng cũng cần có cách ứng xử phù hợp. Trước đây, ngân hàng có thể đơn giản về thủ tục, nhưng hiện tại bên vay phải tuân thủ đúng quy trình thẩm định, đầy đủ thủ tục, đáp ứng các điều kiện mới được giải ngân vốn. Tránh tình trạng đến khi không trả được nợ, cũng không bàn giao tài sản, gây thiệt hại cho phía ngân hàng. Thực tế điều này vô tình dẫn tới thủ tục, quy định chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.

Theo vị đại diện Hiệp hội ngân hàng, đối với câu chuyện xử lý nợ xấu, trước hết cần đặt ra vấn đề đó là ý thức của người đi vay. Thứ hai là trong luật dân sự không có quy định về thu giữ tài sản thì cũng không thể đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng. Vậy tới đây, nếu người vay có tài sản đảm bảo, nhưng cố tình không trả nợ thì cần phải đưa vào luật hình sự về chiếm đoạt tài sản mới là đúng, từ đó ý thức trách nhiệm của người vay mới tăng lên.

NHNN bán ngoại tệ hỗ trợ tỷ giá, cổ phiếu ngân hàng phản ứng ra sao?

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đã có diễn biến rất tích cực ngay sau thông tin NHNN công bố bán ngoại tệ hỗ ...

Ngân hàng Quân đội (MB) báo lãi "giật lùi" 11%, số dư nợ xấu tăng vọt trong quý 1/2024

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - HOSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với kết quả không mấy khả quan.

Thu Thảo

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán