Tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục xem xét gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể tiếp tục duy trì Thông tư 02.
Hình minh họa. |
Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6 tới. "Đến 30/6 nếu như nền kinh tế vẫn cần, doanh nghiệp vẫn cần thì trước đó khoảng 3 tháng, chúng tôi sẽ trình để tiếp tục duy trì Thông tư 02. Tuy nhiên phải đảm bảo nhìn nhận được thực chất các khoản nợ giãn, hoãn, tránh nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Cũng tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Cập nhật tình hình nợ xấu, lãnh đạo NHNN cho biết, do điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng cao, hiện ở mức 4,95%. Nợ bán cho VAMC (có nguy cơ trở thành nợ xấu) thì con số cũng không nhỏ.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, NHNN sẽ đẩy mạnh triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2023, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
NHNN trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Thông tư 02 quy định về việc cơ cấu lại nợ đối với cho vay tài trợ sản xuất kinh doanh và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng là một trong những quy định quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều ngân hàng.
Ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Thông tư 02 đã bổ sung cho phép giãn/hoãn nợ đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, một lĩnh vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thu nhập người đi vay suy giảm (bản dự thảo chưa bao gồm các khoản vay tiêu dùng).
Đồng thời, Thông tư cũng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo nhóm nợ gần nhất trước khi cơ cấu và đưa lãi dự thu ra ngoài bảng cân đối kế toán để theo dõi (không được đưa vào lãi dự thu) đến 30/6/2024.
Theo các chuyên gia tài chính, Thông tư 02 của NHNN là sự chia sẻ khó khăn kịp thời giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Khi có Thông tư 02 không chuyển nhóm nợ, giãn, hoãn thời gian đòi nợ và không chuyển nợ xấu, các doanh nghiệp có thể xoay sở để tồn tại, phát triển và trả được khoản vay cho ngân hàng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên kéo dài Thông tư 02 quá lâu để tránh ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng. Một số ý kiến khác lại kiến nghị gia hạn thêm đến tháng 6.2025 để giúp lĩnh vực bất động sản phục hồi.
Theo chứng khoán MB, việc gia hạn hiệu lực Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao (Techcombank, MB, VPBank) trong bối cảnh dòng tiền trả nợ của cả người đi vay và chủ đầu tư dự án đều đang ngưng trệ. Người đi vay có thêm thời gian để thu xếp dòng tiền trả nợ, từ đó có thể giải quyết dứt điểm nợ xấu tiềm tàng của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian áp dụng Thông tư sẽ giúp giảm dần áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại khi kết quả kinh doanh năm 2024 được kỳ vọng khả quan hơn, nâng bộ đệm trích lập cho các ngân hàng.
2024 sẽ tiếp tục là năm khó đối với ngành ngân hàng Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu cao, khiến bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2023 được dự báo tăng trưởng thấp. |
HoREA kiến nghị gia hạn Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu bất động sản Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị xem xét gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 để ... |
Thùy Chi (T/H)