Bộ tiêu chí về FDI: Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại Vietcombank bán vốn cho nhà đầu tư ngoại: Hé lộ danh tính đối tác và mức giá chào bán Thị trường chứng khoán Việt Nam: Làm gì để thu hút ‘'đại bàng’’ |
Tâm điểm mua bán, sáp nhập (M&A) của lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn tập trung vào các thương vụ chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém. Với sự tham gia của các ngân hàng lớn giàu tiềm lực, các ngân hàng yếu kỳ vọng sẽ đổi mới năng lực quản trị, tái cơ cấu hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đang bị kéo dài, gặp khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, để đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng thì cần thiết hút thêm vốn ngoại. Nhưng để thu hút được vốn của nhà đầu tư nước ngoài, trước hết cần có độ mở lớn về room và tạo cơ chế riêng để nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy có nhiều điều kiện hơn khi tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
“Thực tế, trước đây chúng ta cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong nước, nhưng vẫn chưa có thương vụ mua bán nào thành công. Bởi với các ngân hàng yếu kém, đang bị kiểm soát đặc biệt, vốn dĩ nợ xấu tăng cao, thậm chí âm vốn chủ sở hữu, nên không phải nhà đầu tư nào cũng hào hứng để tham gia” - PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho hay.
Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp đỡ ngành ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém |
Vị chuyên gia cho biết thêm, hiện đầu tư vào lĩnh vực này có rào cản nhất định, trong đó có tỷ lệ về room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định hiện hành chỉ được tối đa 30%. Tuy nhiên, với tỷ lệ này, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, họ khó có thể tìm được tiếng nói chi phối trong Hội đồng Quản trị của một ngân hàng Việt Nam. Bởi thực tế, mô hình của các ngân hàng Việt Nam trực thuộc Chính phủ, khác với sự độc lập của các ngân hàng trên thế giới, nên việc thu hút vốn ngoại vào tái cơ cấu ngân hàng không dễ.
Chia sẻ tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì năm 2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp đỡ ngành ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới.
Thực tế cho thấy, tại Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ nợ xấu trong giai đoạn 2021 - 2025 cũng như tại Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện đề án trên có một nhiệm vụ rất cụ thể, đó là thu hút, khuyến khích nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Từ đó, có thể thấy việc thu hút dòng vốn ngoại được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản trị của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn |
Bà Nguyễn Linh Phương - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút dòng vốn ngoại. Như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 vừa được ban hành và có hiệu lực vào ngày 1/7 vừa qua đã có một số sửa đổi về quy định để nâng cao tính minh bạch của hệ thống các tổ chức tín dụng, giảm thiểu cái rủi ro, nâng cao an toàn của hệ thống. Trong đó, nổi bật là việc quy định cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên sẽ phải công bố thông tin. Hay, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông để qua đó giảm khả năng sở hữu chéo, khả năng thao túng ngân hàng thương mại, để qua đó nâng cao tính minh bạch và an toàn cho cho ngân hàng thương mại.
Hơn hết, vừa qua ngành ngân hàng cũng rất tích cực triển khai chuẩn mực Basel 2 và 3, trong đó việc triển khai Basel 2 theo phương pháp nâng cao, từ đó hướng tới triển khai Basel 3. Việc triển khai này đã có những tác dụng rất tích cực, một mặt thúc đẩy việc công bố thông tin, nâng cao nhận thức về rủi ro, thúc đẩy những chính sách về rủi ro để qua đó giúp các đối tác hay người gửi tiền có thể giám sát hệ thống, hoạt động của ngân hàng thương mại tốt hơn. Mặt khác, nó cũng giúp cho ngân hàng thương mại thông qua những thông tin nắm bắt được có thể đánh giá được chính xác hơn yêu cầu về nâng vốn cũng như năng lực quản trị rủi ro của mình.
Đáng chú ý, liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại cũng đã có những quy định rất cụ thể tại Nghị định 01/2014, trong đó quy định nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là nhà đầu tư chiến lược có thể sở hữu cổ phần lên tới 20% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại và tổng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ. Đối với cả các tổ chức tín dụng yếu kém, tỷ lệ này có thể cao hơn theo quyết định của Thủ tướng.
“Vừa qua, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 01 đang được trình lên Chính phủ để ban hành, trong đó có một số thay đổi quan trọng như đối với các ngân hàng thương mại đang nhận chuyển giao bắt buộc thì tỉ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn mức 30% nữa mà có thể lên tới 49% theo quyết định của Thủ tướng. Đây là yếu tố thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển để cùng tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng để hướng tới những chuẩn mực cao và bền vững hơn theo chuẩn mực quốc tế” - bà Phương cho biết thêm.