Tín dụng chính sách: Tạo nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lựa chọn những cơ hội lớn Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng 17% trong năm 2023 Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội |
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực hiện được 10 năm, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã mang lại nhiều đổi thay cho các địa phương và mỗi gia đình. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tín dụng chính sách xã hội còn giúp giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội cần được nâng cao nguồn lực, mô hình hoạt động để có thể phát triển tốt hơn |
Mang nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng chính là Ngân hàng Chính sách xã hội. Không chỉ là nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước cùng các cơ chế ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội còn huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng khác đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 367.305 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đạt 10,6%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 346.199 tỷ đồng, tăng 216.743 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,4%...
Những lợi ích mà tín dụng chính sách mang lại cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội là thấy rõ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội cần được nâng cao nguồn lực, mô hình hoạt động để có thể phát triển tốt hơn.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Chính sách Xã hội không thể dậm chân tại chỗ với mô hình hiện nay. Trên thực thế, Ngân hàng nhà nước đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quản trị mô hình tổ chức trong thời gian tới khi đã được luật hóa một cách rộng hơn, đầy đủ hơn trong cả một Chương với 11 Điều tại Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Đây có thể coi là nền tảng vững chắc về cơ sở pháp lý rõ ràng cho mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. “Tuy nhiên, để cụ thể hóa những quy định đã được luật hóa về hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thì cần có những nghị định, thông tư và sự cùng tham gia của các bộ, ngành chức năng, địa phương để xây dựng hệ thống này”- ông Tú nêu quan điểm.
Cụ thể, cần phải xác định rõ nhu cầu vốn, nguồn lực tín dụng hiện nay, bởi khi đưa ra một chương trình tín dụng thì vốn vẫn là câu chuyện còn ách tắc, khó khăn. Đơn cử như chương trình cho vay mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất cho vay thấp nhưng nguồn lực thì hạn chế trong khi nhu vầu lại rất cao. Thêm vào đó, nhu cầu thực tế mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi ở trung ương, bộ, ngành, địa phương là rất lớn. Cách đây 10 năm chỉ có 15 chương trình tín dụng chính sách nhưng hiện đã có đến 27 chương trình, song nguồn lực của Ngân hàng Chính sách xã hội không được tăng lên một cách tương ứng.
Bên cạnh đó, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cơ chế hoạt động của tín dụng chính sách và tín dụng thương mại hiện nay rõ ràng phải có sự phối hợp, nếu không, việc giải quyết hiệu quả đói nghèo một cách bền vững là không cao. Vì thế, rất cần có sự kết nối giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại để tạo ra kết nối giúp người nghèo thoát nghèo.
Đặc biệt, ông Tú đề xuất thêm, cần duy trì cơ chế tài chính của riêng Ngân hàng Chính sách xã hội chứ không phải của tổ chức chính trị xã hội đơn thuần vì bản chất vẫn là ngân hàng. Đã là ngân hàng thì phải đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh; nghiên cứu thêm mô hình hoạt động đặc thù của từng vùng, từng tỉnh, thành phố khác nhau thì nhu cầu vay vốn, đối tượng vay vốn, lãi suất cũng sẽ khác nhau...
Ở một góc nhìn khác, để nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong bối cảnh mới, PGS.TS. Lê Thị Thanh Tâm- Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất: Cần tăng cường về chuyển đổi số mà cụ thể là tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng, giúp ngân hàng tiếp cận khách hàng nhanh chóng với chi phí rẻ hơn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Liên quan tới nguồn vốn, cần xem xét cho phép mở hạn mức phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh nhằm tận dụng nguồn vốn giá rẻ, thời hạn dài, đáp ứng được nguồn vốn cho vay tới các đối tượng thụ hưởng.
Là công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách xã hội, bảo đảm gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã; góp phần quan trọng đối với giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta, tín dụng chính sách xã hội giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước; góp phần thực hiện thành công chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Vì thế, để triển khai tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06- KL/TW cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, địa bàn, mức cho vay, lãi suất vay, phối hợp giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại của các tổ chức tín dụng…
Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu vay của đối tương chính sách và triển khai nhiều chương trình tín dụng trong thời gian tới, cần cân đối, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, đồng thời thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác cho tín dụng chính sách xã hội.
Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; phát huy hơn nữa hiệu quả, vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội và thực hiện các hoạt động nhận ủy thác.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kiến nghị: Cần ban hành văn bản mới (Nghị quyết hoặc Chỉ thị của Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội phù hợp với bối cảnh hiện nay. |