Nông dân Nghệ An "vắt ra tiền" từ giống cây "mát lòng, mát dạ", mỗi vụ thu hoạch cầm tay tới vài trăm triệu

14/05/2025 - 03:53
(Bankviet.com) Nông dân huyện Yên Thành, Nghệ An đang bước vào vụ thu hoạch giống cây có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ đạt thu nhập khổng lồ.
Hàng hóa - Giá cả

Nông dân Nghệ An "vắt ra tiền" từ giống cây "mát lòng, mát dạ", mỗi vụ thu hoạch cầm tay tới vài trăm triệu

Ngọc Linh 13/05/2025 19:00

Nông dân huyện Yên Thành, Nghệ An đang bước vào vụ thu hoạch giống cây có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ đạt thu nhập khổng lồ.

Nông dân đổi công thu hoạch từ mờ sáng, giá mía ổn định mang về hàng chục triệu đồng mỗi vụ

Giữa những ngày đầu tháng 5 oi ả, không khí lao động trên cánh đồng mía xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vẫn tất bật từ 4 giờ sáng. Tại xóm Tràng Kiều hay Hưng Mỹ, hàng chục hộ nông dân rộn ràng bước vào mùa thu hoạch mía ép lấy nước – loại mía giải khát được ưa chuộng trong mùa Hè. Mỗi bó mía được bó chặt, chuyển lên xe từ sáng sớm để kịp phân phối cho các điểm bán nước giải khát, chủ yếu phục vụ nhu cầu thị trường nội tỉnh và khu vực lân cận.

Vào vụ thu hoạch mía ép lấy nước, bà con xã Thịnh Thành thường đổi công để hỗ trợ nhau, đỡ vất vả và giảm chi phí
Vào vụ thu hoạch mía ép lấy nước, bà con xã Thịnh Thành thường đổi công để hỗ trợ nhau, đỡ vất vả và giảm chi phí (Ảnh: Báo Nghệ An)

Anh Phan Văn Thu, một hộ trồng mía lâu năm tại Tràng Kiều, cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, ngày nào nhóm của anh cũng đổi công thu hoạch. Nhờ nắng nóng, mía chín ngọt và được giá. Giá mía tại ruộng dao động từ 3,5 – 4 triệu đồng/tấn, mỗi sào đạt 3,5 – 4 tấn, mang về khoảng 15 triệu đồng. Với gần 4 sào mía, gia đình anh ước tính thu về gần 60 triệu đồng, mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống như khoai, ngô hay đậu.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Xuyến ở xóm Hưng Mỹ cũng tranh thủ bó mía từ tờ mờ sáng để kịp giao hàng. “Mỗi bó mía nặng 30 kg, được xếp gọn chờ ô tô đến thu mua. Mỗi buổi sáng là một cuộc đua với thời gian”, chị chia sẻ.

Mía giải khát – Cây trồng chủ lực mùa Hè, thu nhập cao gấp nhiều lần cây truyền thống

Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành, ông Nguyễn Đình Phong cho biết: cây mía giải khát đã được đưa vào sản xuất tại địa phương hơn 10 năm nay và ngày càng mở rộng. Hiện toàn xã có khoảng 87 ha trồng mía ép lấy nước. Với giá bán ổn định, trung bình mỗi ha mía thu về 300 triệu đồng, đưa tổng doanh thu toàn xã mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng. Theo ông Phong, đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay trên địa bàn.

Mía thu hoạch đến đâu được bà con cân ngay tại ruộng
Mía thu hoạch đến đâu được bà con cân ngay tại ruộng (Ảnh: Báo Nghệ An)

Mía giải khát có những yêu cầu riêng về chất lượng như thân to, thẳng, nhiều nước, vị ngọt đậm. Để đạt được tiêu chuẩn này, bà con phải chăm sóc kỹ lưỡng từ khâu làm đất, lên luống, bón phân, đến tỉa lá, phòng trừ sâu bệnh và dùng cọc gỗ chống đổ. Đặc biệt, do thời vụ thu hoạch trùng với mùa nắng nóng, nên công việc đồng áng càng thêm phần vất vả.

Điều đáng ghi nhận là toàn bộ phụ phẩm từ cây mía đều được tái sử dụng. Lá mía, ngọn mía sau khi thu hoạch được gom lại làm thức ăn cho trâu, bò, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế tổng thể của mô hình canh tác.

Nhân rộng mô hình, thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, giống mía được bà con sử dụng phổ biến là QD931-59 – giống mía cho năng suất cao, nhiều nước, phù hợp với ép lấy nước giải khát. Toàn tỉnh hiện có khoảng 170 ha mía giải khát, tập trung chủ yếu tại huyện Yên Thành (166 ha), còn lại là rải rác ở các địa phương như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn và Thanh Chương.

Cánh đồng mía ép nước trên địa bàn xã Thịnh Thành
Cánh đồng mía ép nước trên địa bàn xã Thịnh Thành (Ảnh: Báo Nghệ An)

Tại một số vùng khác, người dân tận dụng mía mật để ép nước, song do loại mía này cứng và ít nước nên hiệu quả không cao. Trong khi đó, mía QD931-59 lại dễ trồng, vốn đầu tư thấp, ít sâu bệnh và phù hợp với nhiều loại đất, trở thành lựa chọn tối ưu cho những hộ nông dân chuyển đổi từ cây lương thực truyền thống có giá trị kinh tế thấp.

Chính quyền xã Thịnh Thành đang tích cực vận động bà con chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mía giải khát. Đây được xem là hướng đi bền vững, vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường giải khát tăng cao trong mùa nắng nóng.

Từ hiệu quả kinh tế rõ ràng và khả năng nhân rộng, mô hình mía giải khát tại Nghệ An đang trở thành điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nền nông nghiệp thích ứng, bền vững.

Ngọc Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán