Một loại quả Việt được Mỹ 'chấm điểm 10', giá gấp 3 lần vẫn cháy hàng, thuế nhập khẩu 0%

07/05/2025 - 15:26
(Bankviet.com) Một loại quả Việt đang “làm mưa làm gió” tại Mỹ, được khen ngợi tuyệt đối, dù giá bán cao gấp 3 lần hàng Trung Quốc.
Hàng hóa - Giá cả

Một loại quả Việt được Mỹ 'chấm điểm 10', giá gấp 3 lần vẫn cháy hàng, thuế nhập khẩu 0%

Hạ Vy 07/05/2025 7:00

Một loại quả Việt đang “làm mưa làm gió” tại Mỹ, được khen ngợi tuyệt đối, dù giá bán cao gấp 3 lần hàng Trung Quốc.

Không ồn ào như sầu riêng hay thanh long, nhưng một loại quả đặc trưng của Việt Nam đang dần trở thành “hiện tượng” trên bàn ăn của người tiêu dùng quốc tế. Trong một chuyến công tác đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ – bà Alexis Taylor đã không ngần ngại khen ngợi: “Tuyệt vời. 10/10”, sau khi thưởng thức một múi bưởi Diễn tại Hà Nội. Bà nói thêm: “Tôi trông đợi được thấy loại bưởi này trong các cửa hàng tại Mỹ và mua nó với tư cách là người tiêu dùng địa phương.”

quabuoi3.png
Bưởi - loại quả được Thứ trưởng Mỹ khen ngon 10/10

Không chỉ là lời xã giao, sự công nhận này đang được phản ánh bằng các con số tăng trưởng xuất khẩu đáng kinh ngạc. Trong quý I/2025, xuất khẩu loại quả này đã tăng 60,6%, mang về hơn 17,5 triệu USD, lọt vào top 10 mặt hàng rau quả xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Loại quả này – vốn quen thuộc trong ẩm thực Việt có đặc điểm ngọt dịu, dễ tách múi, không đắng, ráo nước, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng tại các thị trường phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand.

Cuối năm 2022, sau hơn 5 năm đàm phán, Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu trái bưởi tươi sang Mỹ – trở thành loại trái cây thứ 7 được mở cửa sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Đặc biệt, lô hàng đầu tiên vận chuyển bằng tàu biển đến Mỹ dù có giá cao gấp 3–4 lần so với bưởi Trung Quốc vẫn nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng: "ngon, dễ ăn, đúng khẩu vị".

Chỉ trong chưa đầy hai năm, loại quả này đã được “cấp visa” tới 12 thị trường, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, và Anh – những thị trường có tiêu chuẩn kiểm dịch và an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt.

quabuoi2.jpg

Việc được cấp phép đồng nghĩa với tiềm năng mở rộng quy mô sản xuất và gia tăng giá trị cho nông sản Việt. Hiện tại, tổng diện tích trồng loại quả này lên tới 105.400 ha, sản lượng gần 905.000 tấn/năm, với nhiều giống đặc trưng theo vùng miền:

Bưởi da xanh (Đồng bằng sông Cửu Long – hơn 32.000 ha)

Bưởi Năm Roi (Vĩnh Long, Cần Thơ)

Bưởi Tân Triều (Đồng Nai)

Bưởi Diễn (Hà Nội, Hưng Yên)

Các vùng trồng tập trung giúp bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định và truy xuất nguồn gốc – yếu tố then chốt để mở rộng thị phần quốc tế.

Trong bối cảnh Mỹ công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% với nhiều mặt hàng nhập khẩu, rau quả Việt Nam vẫn được đánh giá là khó bị ảnh hưởng vì Mỹ đang nhập siêu nông sản từ Việt Nam.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – ông Đặng Phúc Nguyên, năm 2024, Việt Nam xuất sang Mỹ 360 triệu USD rau quả, nhưng nhập khẩu từ Mỹ tới 540 triệu USD, cho thấy dư địa xuất khẩu còn rất lớn.

quabuoi1.jpg

Quý I/2025, Việt Nam tiếp tục nhập hơn 160 triệu USD rau quả từ Mỹ, trong khi vẫn tăng trưởng mạnh xuất khẩu vào thị trường này – điều cho thấy sự bổ sung lẫn nhau trong chuỗi cung ứng, thay vì đối đầu.

Câu chuyện về quả bưởi được Thứ trưởng Mỹ khen ngợi không chỉ là lời khen về hương vị, mà là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng xây dựng thương hiệu quốc gia cho từng loại trái cây đặc sản.

Khi các sản phẩm nông nghiệp không còn chỉ là nông sản mà trở thành hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, có truy xuất nguồn gốc, có tiêu chuẩn toàn cầu, thì giá trị tăng thêm không chỉ nằm ở tiền bạc – mà còn là uy tín, là niềm tự hào xuất xứ.

Hạ Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán