Nông nghiệp BAF Việt Nam nối dài mạch M&A, dự kiến thâu tóm thêm 10 trang trại

10/02/2025 - 23:32
(Bankviet.com) Theo thông tin được chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư sáng 10/2/2025, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) cho biết đang tiếp tục mở rộng quy mô thông qua hoạt động M&A, với kế hoạch thâu tóm thêm 10-12 trang trại mới trong thời gian tới.

Giá heo tăng do nguồn cung suy giảm

Theo BAF, giá thịt heo toàn cầu đang trên đà tăng khi nguồn cung chịu áp lực từ dịch bệnh và các rào cản xuất khẩu. Tháng 12/2024, chỉ số giá thịt heo thế giới đạt 119 điểm, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt heo toàn cầu dự báo giảm 1%, còn 115,1 triệu tấn, chủ yếu do nguồn cung tại Trung Quốc giảm mạnh.

BAF nối dài mạch M&A, dự kiến thâu tóm thêm 10 trang trại
Ảnh minh họa

Tại Trung Quốc, giá heo năm 2024 đã tăng 15% do cung giảm và nhu cầu tăng cao. Trong năm 2025, sản lượng thịt heo tại quốc gia này dự kiến giảm khoảng 2%, còn 26 triệu tấn, khiến giá có thể tiếp tục đi lên.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024 do dịch bệnh và thiên tai, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng 5,4%. Giá trị toàn ngành chiếm hơn 26% GDP, tổng đàn tăng nhẹ 4%, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Đáng chú ý, nhập khẩu thịt heo đạt hơn 100.000 tấn trong 11 tháng năm 2024, chủ yếu từ Brazil, Nga và Canada.

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) tiếp tục diễn biến phức tạp, với biến chủng mới khiến số lượng heo khỏe mạnh giảm. Tại Việt Nam, số ổ dịch mới tăng 79% so với cùng kỳ, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung. Đặc biệt, trong quý 4/2024, tác động từ bão Yagi và Luật Chăn nuôi mới có hiệu lực từ 01/01/2025 đã gây xáo trộn thị trường. Trước khi luật áp dụng, nhiều hộ chăn nuôi bán tháo đàn, khiến giá cuối năm giảm nhẹ. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, giá heo hơi đã tăng lên gần 73.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm.

Trong khi đó, thị trường thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm giá nhờ tổng đàn thu hẹp. Giá ngô nhập khẩu giảm 16%, đậu nành giảm 18% và lúa mì giảm 21%. Đây là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp có quy mô chăn nuôi lớn như BAF.

Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi, tiếp tục mở rộng đầu tư

Từ tháng 11/2024, BAF đã thực hiện M&A 13 công ty sở hữu quỹ đất và chuồng trại, chuẩn bị hoàn tất các thủ tục pháp lý. Kế hoạch này nằm trong chiến lược đưa quy mô đàn heo thương phẩm đạt 10 triệu con vào năm 2030.

Ông Ngô Cao Cường, Phó Tổng Giám đốc BAF cho biết doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán mua thêm 10-12 trang trại mới trong năm 2025-2026. “Nếu có cơ hội và nguồn lực, mục tiêu 10 triệu con có thể đạt sớm hơn 2030. Chúng tôi sẽ M&A ngay khi tìm được trang trại phù hợp”, ông nhấn mạnh.

Về kế hoạch kinh doanh, BAF đặt mục tiêu bán ra 900.000 - 1 triệu con heo trong năm 2025, mang về doanh thu khoảng 6.000 tỷ đồng với mức giá bán trung bình 55.000-60.000 đồng/kg. Doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận tăng 2,5 lần so với năm 2024, đồng thời thu hẹp mảng kinh doanh nông sản do biên lợi nhuận thấp.

Sau năm 2030, BAF định hướng trở thành công ty thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu với biên lợi nhuận cao hơn. Để chuẩn bị cho chiến lược này, doanh nghiệp sẽ khởi công nhà máy chế biến tại Bình Phước vào tháng 4-5/2025. Nhà máy này sẽ tập trung vào các sản phẩm “ready-to-eat” (thực phẩm ăn liền) và “ready-to-cook” (thực phẩm sơ chế sẵn), giúp BAF hoàn thiện chuỗi giá trị 3F (Feed-Farm-Food).

Giá tôm chạm đáy, ngành tôm cần gì để phục hồi năm 2025?

Năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000 ha, sản lượng tăng 5,3% so với năm 2023. Tuy nhiên, giá tôm giảm sâu ...

Đẩy mạnh hoạt động M&A, dòng tiền kinh doah của BaF Việt Nam vẫn đang "khó"

Sau giai đoạn thực hiện chiến lược M&A mạnh mẽ, BaF Việt Nam đạt lợi nhuận sau thuế 323,9 tỷ đồng trong năm 2024, tăng ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán