ĐHĐCĐ PLX: "Bốc hơi" 1.300 tỷ sau cú sốc thuế Mỹ, đặt cược vào chuyển dịch xanh
Trước những rủi ro lớn trong năm 2025, Petrolimex (PLX) đẩy mạnh tái cấu trúc và đầu tư vào năng lượng sạch, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn.
Bay hơi 1.300 tỷ chỉ trong 15 ngày
Sáng ngày 25/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - HOSE: PLX) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, Petrolimex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 248.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.200 tỷ, giảm lần lượt 13% và 19% so với kết quả năm ngoái.

Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT trình cổ đông cổ tức năm 2024 là 10% tiền mặt (1.000 đồng/cp), tương ứng số tiền chi ra hơn 1.270 tỷ đồng.
Năm nay, Petrolimex cho biết sẽ tập trung đàm phán hợp đồng hiệu quả với các nhà máy lọc dầu trong nước, đồng thời nghiên cứu để mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp, quản lý tồn kho hợp lý theo diễn biến thị trường, đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Tại phiên thảo luận, trước câu hỏi về tác động của đợt giảm giá dầu mạnh gần đây, đặc biệt sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Petrolimex, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, sau ngày 2/4, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng, PLX sụt giảm khoảng 1.000 tỷ đồng ngay trong kỳ điều hành ngày 10/4.

“Sau ngày 2/4 khi ông Trump công bố thuế đối ứng, giá dầu Brent giảm sâu từ 75 usd/thùng xuống dưới 60 USD/thùng chỉ trong vài ngày, giảm rất sốc. Mức độ giảm sâu nhất là trên 20%.
Với những quy định hiện nay yêu cầu thương nhân đầu mối dự trữ tối thiểu 20 ngày và chu kỳ điều hành giá trong 7 ngày, khi biến động giá dầu thế giới lên tới 20% chỉ trong vài ngày thì tác động đối với Tập đoàn rất ghê gớm. Ngay trong kỳ điều hành ngày 10/4, doanh thu của tập đoàn mất luôn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, với lượng tồn kho chưa bán hết, được tiêu thụ trong chu kỳ điều hành giá ngày 17/4, tập đoàn tiếp tục thiệt hại thêm 300 tỷ đồng nữa”, ông Năm chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, giá bán lẻ trong nước bị điều chỉnh giảm mạnh, trong khi giá vốn hàng hóa đã được mua từ trước ở mức cao, gây ra chênh lệch lớn và khiến tập đoàn gánh chịu khoản lỗ lớn trong ngắn hạn.
Những biến động này ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh quý I/2025 của Petrolimex. “Khi báo cáo tài chính được công bố, cổ đông sẽ thấy rõ mức độ ảnh hưởng, đặc biệt trong mảng kinh doanh xăng dầu”, ông nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Năm đánh giá năm 2025 là một năm tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn về biến động giá dầu, khi các thông tin tích cực và tiêu cực về thị trường liên tục đan xen, khiến giá dầu không theo một xu hướng rõ ràng. "Chỉ một thông tin liên quan đến phản ứng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đủ khiến thị trường xăng dầu đảo chiều ngay lập tức", ông nói.
Trước tình hình này, ông Trần Ngọc Năm cho biết Petrolimex sẽ sớm triển khai các giải pháp mang tính chủ động và tích cực nhằm nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra trong năm.
Sáp nhập tỉnh thành là cơ hội, năng lượng sạch là tương lai
Chia sẻ về việc sắp xếp, sáp nhập các tỉnh thành ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Petrolimex, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh cho biết việc sáp nhập có tác động đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, song đây là những ảnh hưởng mang tính tích cực khi mở ra nhiều cơ hội mới.

Theo ông Thanh, hoạt động bán lẻ hiện chiếm tới 60-70% lợi nhuận của Petrolimex, do đó tập đoàn sẽ chủ động bám sát các quy hoạch mới để mở rộng hệ thống bán lẻ tại các địa phương sau sáp nhập.
Ngay sau khi có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố, Petrolimex đã thành lập ban chỉ đạo để tinh gọn bộ máy. Lãnh đạo tập đoàn hiện cũng đang nghiên cứu và xây dựng mô hình tổ chức phù hợp, nhằm định vị lại hệ thống trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn 30 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
“Chúng tôi đã xin ý kiến từ ban lãnh đạo các đơn vị thành viên, tham khảo các chuyên gia và mô hình tập đoàn quốc tế, với mục tiêu tối thượng là đảm bảo lợi ích cổ đông và tiết giảm chi phí”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Petrolimex cũng đang chủ động tái cấu trúc hệ thống cửa hàng tại các địa phương. Trong thời gian qua, tập đoàn đã thực hiện thoái vốn tại một số đơn vị thành viên, chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Campuchia và TP.HCM và sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc trong thời gian tới.
Thêm vào đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh cũng chia sẻ thêm về kế hoạch chuyển dịch mô hình kinh doanh đa ngành năng lượng, ông cho biết, mặc dù xăng dầu vẫn được xác định là trụ cột trong vòng 15 năm tới, PLX đang chủ động xây dựng các kịch bản chuyển đổi từ nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sạch, trong bối cảnh hơn 140 quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới đang có những thay đổi đáng chú ý trong ba năm gần đây. Nhiều tập đoàn lớn quốc tế đã điều chỉnh chiến lược đầu tư năng lượng xanh theo hướng thận trọng hơn. Điển hình là Tập đoàn BP (Anh) đã cắt giảm mạnh ngân sách đầu tư vào năng lượng tái tạo từ 5 tỷ USD/năm xuống còn 1,5 - 2 tỷ USD. Động thái này diễn ra dưới sức ép từ phía cổ đông, yêu cầu ban lãnh đạo tập đoàn phải thay đổi hướng đi. Một số tập đoàn lớn khác cũng đang thu hẹp đầu tư vào năng lượng xanh.
Ngoài ra, chính sách năng lượng của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cũng ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng toàn cầu, khi chính quyền này khuyến khích tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch và giảm cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trước tình hình đó, Petrolimex khẳng định sẽ theo sát các diễn biến quốc tế cũng như cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu Net Zero vào năm 2050. PLX cho rằng cần phải có cái nhìn linh hoạt, thực tế hơn trong việc điều chỉnh các chính sách liên quan, trong đó có Nghị quyết 55 về định hướng phát triển năng lượng quốc gia.
Ông Thanh chia sẻ, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sửa đổi để tránh đi quá nhanh hoặc đi tắt trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Còn đối với PLX cũng đang vừa triển khai các bước chuyển đổi vừa theo dõi sát diễn biến để có chiến lược phù hợp.
“Chúng tôi sẽ tuỳ vào tình hình để quyết định đi nhanh hay chậm trong quá trình này”, lãnh đạo tập đoàn cho biết.
Đáng chú ý, Petrolimex đã thành lập Ban chỉ đạo hành động Net Zero với nhiều hoạt động cụ thể như lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, kiểm kê khí nhà kính và hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm hướng đến mô hình phát triển bền vững.