Ô tô Giải Phóng (GGG) trắng doanh thu, "cõng" khoản lỗ ròng 3,9 tỷ đồng trong quý III

17/10/2024 - 00:41
(Bankviet.com) Ô tô Giải Phóng (UPCoM: GGG) công bố BCTC quý III/2024 với khoản lỗ ròng 3,9 tỷ đồng do không có doanh thu. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty báo lỗ ròng 14,2 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản tăng nhẹ nhưng nợ phải trả lên tới 100,2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 45,8 tỷ đồng, tiếp tục giảm mạnh so với đầu năm.

Doanh thu 0 đồng, chi phí tăng cao

Công ty CP Ô tô Giải Phóng (UPCoM: GGG) vừa công bố BCTC quý III/2024 với kết quả không mấy khả quan. Trong suốt quý vừa qua, Ô tô Giải Phóng không đạt được bất kỳ khoản doanh thu nào, khiến Công ty ghi nhận lỗ gộp hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí lớn. Đặc biệt, chi phí tài chính tăng 27,7% so với cùng kỳ, đạt mức 2,3 tỷ đồng, gây thêm áp lực lên tình hình tài chính.

Ô tô Giải Phóng (GGG) trắng doanh thu,
Ô tô Giải Phóng không ghi nhận một đồng doanh thu nào trong quý II/2024.

Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 70,5%, xuống còn 520 triệu đồng, trong khi chi phí bán hàng tăng nhẹ, từ 35 triệu đồng quý III/2023 lên 53 triệu đồng quý III/2024. Tuy nhiên, với việc trắng doanh thu, các khoản chi phí này vẫn tạo áp lực lớn đối với Công ty, khiến kết quả kinh doanh tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 3,9 tỷ đồng, lỗ thêm 7,6% so với khoản lỗ 491 triệu đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Ô tô Giải Phóng ghi nhận 5,3 tỷ đồng doanh thu, tăng vọt hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao khiến Công ty lỗ gộp 3,9 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ gộp 2,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Với việc vẫn phải trả các chi phí vận hành, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 14,2 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tương đương mức lỗ hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng tồn kho tăng mạnh, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Ô tô Giải Phóng đạt 54,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 16,2% so với đầu năm. Tuy nhiên, lượng tiền mặt của Công ty chỉ có 60 triệu đồng, dù đã cải thiện so với con số 9 triệu đồng đầu năm nhưng vẫn rất thấp. Hàng tồn kho tăng mạnh 46,7%, lên mức 30,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của Công ty.

Ô tô Giải Phóng (GGG) trắng doanh thu,
Tình hình tài sản của Công ty.

Về nợ, Ô tô Giải Phóng đang phải đối mặt với khoản nợ 100,2 tỷ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm. Đặc biệt, phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 550%, lên 18,3 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí phải trả ngắn hạn của Công ty bao gồm khoản vay từ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam và một số cá nhân, trong đó có ông Vương Văn Tường và ông Nguyễn Kỳ Xuân. Vay dài hạn cũng tăng lên mức 32,9 tỷ đồng, với sự xuất hiện duy nhất của ông Nguyễn Hà Đức, cổ đông lớn thứ hai tại Công ty, người sở hữu hơn 2,6 triệu cổ phiếu.

Ô tô Giải Phóng (GGG) trắng doanh thu,
Nợ tiếp tục tăng mạnh.

Một điểm đáng lo ngại khác là vốn chủ sở hữu của Ô tô Giải Phóng đang âm 45,8 tỷ đồng, giảm sâu 45% so với đầu năm. Điều này cho thấy Công ty đang đối mặt với nguy cơ mất cân đối tài chính. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tiếp tục âm 340,5 tỷ đồng, so với mức âm 326,3 tỷ đồng vào đầu năm. Vốn điều lệ của vẫn giữ nguyên ở mức 293,8 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu GGG của Ô tô Giải Phóng trên UPCoM đã ghi nhận đà tăng trong ba phiên liên tiếp gần đây (cổ phiếu GGG đang thuộc diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần). Chốt phiên ngày 11/10, thị giá cổ phiếu GGG đạt 3.800 đồng/cp, tăng so với mức 3.600 đồng/cp vào ngày 4/10 và 3.200 đồng/cp vào ngày 27/9.

Ô tô Giải Phóng, thành lập năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô tải. Các sản phẩm chính của Công ty bao gồm xe tải dưới 5 tấn mang thương hiệu GIAIPHONG và một số thương hiệu Trung Quốc khác. Công ty sở hữu nhà máy lắp ráp tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Dù từng niêm yết cổ phiếu trên HNX vào năm 2009, Ô tô Giải Phóng đã bị hủy niêm yết vào cuối năm 2013 do thua lỗ kéo dài và chuyển sang giao dịch trên UPCoM. Tình hình tài chính hiện tại của Công ty cho thấy những khó khăn lớn trong việc cân đối nguồn vốn và chi phí vận hành. Việc thiếu doanh thu và chi phí tài chính tăng cao đang là thách thức lớn mà Công ty cần phải vượt qua nếu muốn phục hồi và phát triển trong tương lai.

Thủy điện Sê San 4A (S4A): Quý 3 bứt phá lợi nhuận, lũy kế 9 tháng vẫn đi lùi

Lợi nhuận trước thuế của Thủy điện Sê San 4A tăng 31% trong quý 3/2024, đạt 55,6 tỷ đồng, tuy nhiên tính chung 9 tháng ...

Một doanh nghiệp BĐS ghi nhận lãi ròng quý III tăng vọt gần 2.000%

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện, cùng với mảng kinh doanh bất động sản hồi phục, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà ...

Chi phí tăng cao khiến Thép Thủ Đức lỗ đột biến trong quý III, nâng tổng mức lỗ gần 10 tỷ đồng sau 9 tháng

Thép Thủ Đức vừa công bố BCTC quý III/2024, ghi nhận lỗ ròng 6,5 tỷ đồng do chi phí tăng cao dù doanh thu tăng ...

Đông Quân

Đông Quân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán