OCB tiếp tục phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu

23/11/2023 - 17:53
(Bankviet.com) Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa có báo cáo kết quả phát hành trái phiếu gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, vào ngày 15/11 vừa qua, Ngân hàng OCB đã phát hành 1.000 trái phiếu mã OCB2326012, huy động thành công 1.000 tỷ đồng, đợt phát hành lần này mất một ngày để hoàn tất.

OCB tiếp tục phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB)

Được biết, lô trái phiếu có thời hạn 3 năm, được phát hành ở thị trường trong nước và sẽ đáo hạn vào ngày 15/11/2026.

Trong năm 2023, OCB là một trong những nhà phát hành trái phiếu lớn, chỉ tính trong gần 5 tháng trở lại đây, ngân hàng của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn có 12 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 13.550 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có thời hạn từ 2 – 5 năm, lãi suất giao động từ 6 – 8,1%.

Ở chiều ngược lại, OCB cũng tích cực mua lại trái phiếu trước hạn thời gian vừa qua. Tính từ đầu tháng 5/2023 đến nay, OCB mua lại trước hạn 12 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 10.900 tỷ đồng. Các lô trái phiếu cùng có thời hạn 3 năm và được phát hành trong năm 2021 và 2022.

Ở một diễn biến liên quan, OCB đang triển khai lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời hạn trả lời phiếu lấy ý kiến trước 17h ngày 7/12/2023. Ở đợt lấy ý kiến lần này, cổ đông OCB sẽ thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ ngân hàng, cụ thể là bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐQT trong việc phê duyệt phương án cơ cấu lại theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh tại OCB, theo báo cáo tài chính quý 3/2023, ngân hàng này ghi nhận khoản thu nhập chính là lãi thuần đạt 1.865 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, một số khoản kinh doanh ngoài lãi tại OCB cũng ghi nhận tăng trưởng, đặc biệt kinh doanh ngoại hối tăng đột biến 239% lên gần 175 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư cũng có sự chuyển đổi từ lỗ trong kỳ trước sang lãi ở kỳ này, lần lượt đạt 0,4 tỷ đồng và 219 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 56 tỷ đồng và 11 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, thu nhập từ hoạt động dịch vụ ghi nhận giảm 32% so với cùng kỳ, xuống còn 202 tỷ đồng, trong khi đó chi phí hoạt động dịch vụ tăng 9% lên mức 31 tỷ đồng. Do đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận đạt 171 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.

Kết quả, tổng thu nhập hoạt động tại OCB ghi nhận tăng 19% lên 2.468 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động gần như đi ngang so với năm ngoái. Do đó, OCB ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, OCB cắt giảm gần 13% dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 311 tỷ đồng, do đó ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.355 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Theo đó, OCB trở thành ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 3/2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.915 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ, chỉ sau mức tăng trưởng của Sacombank và hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận năm (6.000 tỷ đồng).

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của OCB mở rộng 11,7% so với hồi đầu năm, đạt gần 216.800 tỷ đồng. Trong đó, số dư cho vay khách hàng tăng 9,8%, lên gần 131.500 tỷ đồng. Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác là 23.165 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 12,7%, đạt gần 115.200 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của OCB đã tiếp tục tăng với 4.921 tỷ đồng vào cuối quý 3/2023, tương ứng mức tăng 84,2% so với cuối năm ngoái. Đặc biệt tăng mạnh ở khoản nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,23% lên 3,74%.

Tính đến cuối tháng 9, số lượng nhân viên của OCB đạt 6.523 người, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bình quân cho nhân viên tại ngân hàng tăng 11,6% lên 26,7 triệu đồng/ tháng.

Về chất lượng tài sản, tại thời điểm cuối quý 3, tổng nợ xấu của OCB ghi nhận ở mức 4.921 tỷ đồng, tăng mạnh 84% so với thời điểm hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng tương ứng từ 2,23% hồi cuối năm 2022 lên 3,74% ở thời điểm cuối quý 3/2023. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn tăng 9% lên hơn 1.499 tỷ đồng.

Giao dịch khối ngoại tuần 6/11-10/11: HPG, SHS là danh mục đầu tư hàng đầu; MWG chưa thoát cảnh "tháo hàng"

Diễn biến thị trường đã có tuần hoạt động sôi nổi với 2 phiên cuối tuần thanh khoàn đạt hơn 1 tỷ đơn vị. Trong ...

Vợ “sếp lớn” OCB đăng ký bán ra cổ phiếu lần thứ 4

Ngày 14/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu của người có ...

Mai Lan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán