Cơ quan An ninh điều tra – Công an Thành phố Hà Nội vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (HNX: APS), Công ty CP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (HNX: API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) để tiến hành điều tra theo quy định.
Đây là 3 cái tên trụ cột trong hệ sinh thái Công ty CP Tập đoàn APEC Group – Tập đoàn đa ngành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản.
Từ sự thay đổi “chóng mặt” tại cấp thượng tầng
Apec Group được thành lập ngày 24/11/2017, tiền thân là CTCP BG Group có trụ sở chính tại Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Thời điểm mới thành lập, BG Group đăng ký quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông gồm 3 cá nhân là ông Nguyễn Hoàng Linh (sở hữu 65%), ông Phạm Duy Hưng (sở hữu 34,99%) và ông Lục Thanh Tùng (sở hữu 0,01%).
Tháng 12/2018, công ty tiến hành tăng vốn điều lệ lên gấp đôi là 1.000 tỷ đồng nhưng không có thông báo về việc thay đổi cơ cấu cổ đông. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2020, ông Nguyễn Hoàng Linh bất ngờ nhường vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BG Group cho ông Hán Kông Khanh. Sau đó, công ty đổi tên thành APEC Group.
Tháng 12/2021, APEC Group tiếp tục có sự thay đổi về nhân sự cấp cao khi bà Trần Thị Đạt (SN 1991) giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật thay cho ông Đinh Quốc Đức. Ngoài ra, bà Đạt còn là, đại diện các doanh nghiệp khác như Công ty CP APEC Finance, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị HLC.
Dù đã và đang chuẩn bị triển khai loạt dự án bất động sản “khủng” nhưng APEC Group mới chỉ xây dựng thành công 3 dự án bất động sản. |
Được biết, bà Đạt gia nhập Công ty CP Đầu tư APEC từ tháng 1/2017 với vai trò nhân viên cho đến tháng 1/2021. Sau đó, bà Đạt gia nhập APEC Group, từ tháng 12/2021 thì đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT công ty và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Anpha.
Theo giới thiệu, mục tiêu phát triển của APEC Group là thành lập một khối các doanh nghiệp thông qua sở hữu cổ phần, vốn góp hoặc liên kết khác. Với định hướng phát triển, đầu tư mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng, APEC Group và một số đơn vị thành viên định hướng phát triển mạnh dòng sản phẩm condotel.
Dù đã và đang chuẩn bị triển khai loạt dự án bất động sản “khủng”, tuy nhiên trong danh mục các dự án đã triển khai của APEC Group, doanh nghiệp mới chỉ xây dựng thành công 3 dự án bất động sản, và không gây được nhiều chú ý. Cụ thể: Dự án Apec số 5 Túc Tuyên, TTTM Ngã ba Bắc Nam và dự án Apec Mandala Hotel & Spa Bắc Ninh. Mới đây dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né cũng vừa được khánh thành, dự án Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi đã hoàn thành giai đoạn 1.
Đến vị tỷ phú với nhiều phát ngôn gây sốc
Dù không đảm nhiệm vị trí nào tại APEC Group nhưng hầu hết người tham gia, có liên quan đến thị trường tài chính đều hiểu người đứng sau hệ sinh thái của doanh nghiệp này là vị doanh nhân người Bắc Ninh ông Nguyễn Đỗ Lăng (SN 1974).
Tại APEC Group, trong các bản tin nội bộ thường trích dẫn lại những câu nói của người mà họ nêu là Chủ tịch Nguyễn Đỗ Lăng. Điều này cũng ngầm khẳng định ông Lăng là “linh hồn”, “nhà lãnh đạo” của APEC Group và hệ sinh thái, đồng thời thể hiện tầm ảnh hưởng của vị doanh nhân này.
Được biết, ông Lăng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý). Năm 1998, ông Lăng giữ chức vụ Giám đốc điều hành Prometeo Italia khi chỉ mới 24 tuổi. Sau đó, ông có 6 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công ty TNHH tư vấn Quốc tế Cát Tường –CIC.
Từ năm 2006 - 6/2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ và Chủ tịch HĐQT API. Sau đợt thay đổi cơ cấu lãnh đạo từ tháng 6/2020, hiện ông Lăng đang là Thành viên HĐQT tại API, IDJ. Tại APS ngoài là thành viên HĐQT ông Lăng còn là Tổng Giám đốc.
Về sở hữu, tính tới cuối năm 2022, ông Lăng nắm giữ hơn 11,8 triệu cổ phiếu APS (tỷ lệ 14,3%), 16,5 triệu cổ phiếu API (tỷ lệ 19,6%), gần 2,3 triệu cổ phiếu IDJ (tỷ lệ 1,3%); vợ ông Lăng là bà Huỳnh Thị Mai Dung đang sở hữu 1,68 triệu cổ phiếu APS (tỷ lệ 2,02%), 8,2 triệu cổ phiếu API (tỷ lệ 9,82%), 5,9 triệu cổ phiếu IDJ (tỷ lệ 3,4%).
Dù không giữ vị trí điều hành nào trong APEC Group nhưng ông Nguyễn Đỗ Lăng (áo ghi) vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp. |
Bên cạnh đó, những người liên quan khác như, em ruột Nguyễn Hoàng Linh và con gái ông Lăng là Nguyễn Đỗ Hoàng Lan nắm lần lượt 7.500 cổ phiếu và 800.000 cổ phiếu APS; cha ruột Nguyễn Tiến Lộc năm 440.000 cổ phiếu API (0,52%); con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm nắm gần 1,1 triệu cổ phiếu IDJ (tỷ lệ 0,63%).
Dù tham gia vào thương trường đã lâu nhưng ông Lăng chỉ thực sự nổi danh sau màn hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi” tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 của APS.
Phát ngôn này của ông Lăng diễn ra trong bối cảnh các cổ phiếu “họ” APE (APS, IDJ, API) đang từ những mã có mức giá “trà đà” 4.200 đồng/cp vào đầu năm 2021 bất ngờ thăng hoa, tăng mạnh lên mức 49.800 đồng (phiên 16/11/2021), tương đương mức tăng khoảng 12 lần.
Không chỉ APS, API cũng mang về cho mình mức tăng 7 lần, IDJ tăng 5 lần trong cùng thời gian. Với mức tăng này, APS, API, IDJ đã giúp ông Nguyễn Đỗ Lăng lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tại vị trí 183, với khối tài sản là hơn 860 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, bộ 3 cổ phiếu này đã giảm sâu theo đà rơi chung của thị trường, không ít cổ đông nghe theo lời “gồng lãi” của ông Lăng đã phải trả giá.
Vẫn là phong cách đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Lăng tiếp tục gây sốc khi tiếp tục tỏ ra khá tự tin khi cho rằng, nhiều quỹ hàng đầu đánh giá giá trị các cổ phiếu APEC chưa đúng giá trị thực.
Theo ông Lăng, giá cổ phiếu nhóm APEC đã cao hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu của các công ty bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, có thể còn tăng gấp đôi, gấp ba trong tương lai. “Các cổ phiếu trong nhóm APEC đều đang có cơ hội cao trở thành hoa hậu trong năm 2023”, ông Lăng khẳng định.
Tuy nhiên, sau một thời gian (không dài) tăng mạnh với mức trung bình 63% kể từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6/2023, bộ 3 cổ phiếu APEC lại tiếp tục “cắm đầu” giảm mạnh với tỷ lệ trung bình gần 12% chỉ trong vài phiên giao dịch.
Đặc biệt, ông Lăng cũng từng gây xôn xao dư luận với tham vọng xây 10 triệu căn hộ “nhà ở xã hội 5 sao” với giá chỉ 10 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, từ 2021 - 2025 hoàn thành 2 - 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 4 - 6 triệu căn hộ.
Vào tháng 12 năm ngoái, APEC Group đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng vì chào bán nhiều trái phiếu ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trên trang web traiphieu.abond.com.vn của Apec Group, tập đoàn này cho biết thời gian qua huy động thành công 6.263 tỷ đồng từ 15.163 nhà đầu tư. |
Quang Đăng