Trong báo cáo triển vọng đầu tư 2023, với mức định giá đã ngang bằng đáy chỉ số năm 2008 và 2012, Chứng khoán DSC kỳ vọng dòng tiền đầu tư dài hạn sẽ giải ngân quyết liệt hơn trong năm 2023, tạo động lực phục hồi.
Bên cạnh đó, năm 2023 với nhiều diễn biến vĩ mô phức tạp kỳ vọng sẽ tiếp tục là một năm có nhiều “sóng”, cả lên và xuống, tạo cả cơ hội lẫn thách thức. Với nền định giá rẻ và nhiều pha điều chỉnh, DSC cho rằng nhà đầu tư giá trị sẽ không thiếu các cơ hội tham gia mua nắm giữ dài hạn. Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, thị trường biến động sẽ là cơ hội sinh lời khi tận dụng các đợt sóng để ra, vào vị thế hợp lý.
Tuy nhiên, DSC cũng lưu ý nhà đầu tư rằng mức định giá thấp của VN-Index được kéo chủ yếu bởi nhóm ngân hàng (P/E hiện tại 8). Trong 12 tháng trở lại, lợi nhuận sau thuế (LNST) nhóm ngân hàng chiếm tới 49% tổng LNST của các nhóm cổ phiếu thuộc VN-Index. Nếu không tính ngành ngân hàng và bất động sản, P/E của VN-Index đạt 12,3, thấp so với lịch sử nhưng không phải quá hấp dẫn.
Nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp suy yếu trong 2023 (như đã thấy trong quý III/2022), P/E có thể tăng vọt, biến định giá từ rẻ thành đắt. P/E “rẻ” từ đó có thể là cái bẫy, đánh lừa các nhà đầu tư giá trị. Vì vậy, nếu tham gia mua dài hạn, nhà đầu tư cần xem xét kĩ về mặt cơ bản để tìm ra những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, tránh mua vào những cổ phiểu “rẻ, nhưng xứng đáng rẻ”.
Chọn nhóm ngành như thế nào cho năm 2023?
Chứng khoán DSC dự báo VN-Index năm 2023 sẽ vẫn còn khó khăn với kịch bản cơ sở đạt 1.100 điểm (tăng 9%), kịch bản xấu là 850 điểm (giảm 16%) và kịch bản tốt là 1.300 điểm (tăng 29%).
DSC cho rằng thị trường bắt đầu năm 2023 với nền tảng định giá thấp so với quá khứ, chỉ quanh 11 lần. Dựa theo dữ liệu lịch sử, mức định giá P/E tỷ lệ nghịch với tỷ suất lợi nhuận trong tương lai. Cụ thể, với P/E dưới 13 lần, tỷ suất sinh lợi trong 3 tháng, 6 tháng tiếp theo kể từ năm 2013 chưa bao giờ là quá thấp.
Do đó với việc kỳ vọng nền kinh tế còn nhiều thử thách nửa đầu năm, thì mức giảm quá đà do việc thiếu thanh khoản cuối năm 2022 đã tạo ra một mặt bằng giá đủ hấp dẫn và thu hẹp dư địa giảm.
Trong giai đoạn suy thoái hoặc khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hầu hết các nhóm ngành chu kỳ sẽ có sự suy giảm lợi nhuận. Các nhóm ngành không theo chu kỳ, mang tính phòng thủ như thực phẩm đồ uống, điện, nước, y tế, công nghệ thông tin sẽ có kỳ vọng tích cực hơn.
DSC nhận định các nhóm ngành này sẽ có sức chống chịu tốt hơn khi thị trường chưa xác nhận tạo đáy dài hạn và vĩ mô còn nhiều dấu hỏi. Tuy nhiên mức định giá cần được quan tâm, cổ phiếu phòng thủ nên được cân nhắc ở mức giá hợp lý.
Nếu nền kinh tế cải thiện dần về cuối năm, thị trường chứng khoán có thể bắt đầu một chu kỳ mới trước khi nền kinh tế thực sự chạm đáy. Khả năng trong năm 2023, khi những thông tin xấu về nền kinh tế dần được hé lộ và kèm theo chính sách tiền tệ có xu hướng đảo chiều, đáy chứng khoán 2023 sẽ được xác nhận.
Khi đó nền kinh tế bước vào pha phục hồi và sự phòng thủ có lẽ không còn phù hợp mà luân chuyển cần được tập trung vào những nhóm ngành được hưởng lợi nhất ở pha phục hồi, đó là nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán), công nghiệp, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng không thiết yếu… những nhóm ngành dẫn dắt ở pha phục hồi.
DSC nhận định năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng khả năng thị trường tài chính sẽ bớt khó khăn hơn so với năm 2022 và là cơ hội để tích lũy tài sản cho một chu kỳ mới, như một tiêu đề nổi bật của JP Morgan “A bad year for the economy, a better year for markets”.
Thanh Tùng