Tại đại hội, ngân hàng đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 310 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020 với giả định tổng thu nhập tương đương năm trước, ở mức 1.148 tỷ đồng; trong khi chi phí hoạt đồng và dự phòng rủi ro giảm 90%.
Tổng tài sản dự kiến tăng trưởng 3,3% đạt 37.349 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến 31/12/2021 đạt 27.640 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8% so với năm 2020. Tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì dư nợ tín dụng đạt 27.727 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2020.
Năm 2021, tổng huy động vốn (thị trường 1 + thị trường 2) đạt 32.518 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2020, trong đó huy động thị trường 1 dự kiến tăng 6% đạt 30.411 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông đã thông qua việc dừng sáp nhập với HDBank. Trước đó, tháng 4/2018, cổ đông ngân hàng đã thông qua nội dung sáp nhập PG Bank vào HDBank. Hai nhà băng đã tích cực triển khai giao dịch sáp nhập cũng như đàm phán và hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018.
Tuy nhiên, cho đến nay giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PGBank.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, PG Bank tiếp tục không chia cổ tức, chỉ trích lập các quỹ theo quy định như quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính. Lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ của năm 2020 là 144 tỷ đồng.
Trong năm 2021, PG Bank chưa có dự định tăng vốn điều lệ.
Đại hội cũng thực hiện bầu thay thế một thành viên HĐQT và sẽ bầu thay thế hai thành viên tại ĐHĐCĐ bất thường để đảm bảo số lượng là 9 thành viên.
Thành viên được bầu bổ sung là ông Nilesh RatilalBanglorewala (1964) có 33 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Cùng với đó, đại hội cũng thực hiện bầu bổ sung bà Dương Ánh Tuyết làm thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bà Tuyết có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng, từng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc MSB.
Thu Thủy