Có thể nói đại dịch COVID-19 đã tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội đất nước. Chính phủ và các địa phương đã và đang tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Ở góc độ hoạt động ngân hàng và tiếp cận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì, phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cần nhận diện và phát huy các yếu tố là động lực nhằm duy trì và tạo đà cho tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo đó, các yếu tố động lực và là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn hiện nay có thể kể đến như:
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định. Trong đó sự ổn định của thị trường tiền tệ trong 8 tháng đầu năm, tiếp tục là yếu tố quan trọng, là nền tảng để thực hiện các giải pháp tài chính tiền tệ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt khó do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư.
Chính sách tỷ giá, lãi suất và tín dụng hiện nay tiếp tục phản ánh sự phù hợp và hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế. Tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tháo gỡ kịp thời khó khăn cho một số ngành, lĩnh vực, gắn với các chương trình tín dụng cụ thể: cho vay thu mua lúa gạo; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên áp dụng trần lãi suất ngắn hạn bằng VND không quá 4,5%/năm: xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp & nông thôn. Theo đó, hiệu ứng chính sách phản ánh rất rõ, khi giá lúa thu mua của người dân được đảm bảo và hỗ trợ kịp thời cho mùa vụ thu hoạch của đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch; dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên đạt 185.000 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cuối năm và dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 75% trong tổng dư nợ của chương trình này.
Thứ hai, hoạt động ngân hàng ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong bối cảnh đại dịch, cũng như mọi ngành và lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp nhiều khó khăn do khách hàng của ngân hàng cũng gặp khó khăn, do tổng cầu giảm và hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động của các thị trường gặp khó. Tuy nhiên, việc các TCTD duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với chính các TCTD mà còn đối với ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ của các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.
Thông qua duy trì hoạt động ổn định, tăng trưởng mức khá, các TCTD góp phần triển khai thực hiện tốt chính sách tiền tệ, duy trì và đảm bảo khả năng cung ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Theo đó, chỉ tính riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động huy động vốn trong 7 tháng đầu năm tăng 4,2% và cho vay vốn tăng 5,8%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Một số hoạt động dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến tăng trưởng tích cực, gắn với các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tốt trong nền kinh tế thời kỳ đại dịch như thương mại điện tử, logistics, y tế và xuất nhập khẩu.
Thứ ba, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực đã và đang duy trì hoạt động và có tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện giãn cách xã hội như: lĩnh vực xuất nhập khẩu; phân phối, logistics; y tế và sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến lương thực thực phẩm, thủy hải sản… Mặc dù hoạt động trong điều kiện giãn cách gặp nhiều khó khăn và không đạt được công suất như bình thường, song việc duy trì sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế.
Nếu thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định là yếu tố nền tảng, đồng thời là yếu tố hỗ trợ và thúc đẩy, thì sự duy trì và tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh trở thành yếu tố động lực trực tiếp, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy cần tiếp tục phát huy hiệu quả các yếu tố này, tiếp tục tổ chức thực hiện hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng; kiểm soát chất lượng tín dụng và mở rộng tín dụng vào những ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng, trước hết là những doanh nghiệp đã và đang duy trì hoạt động, đồng thời chủ động có giải pháp tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa – là nhóm doanh nghiệp mặc dù rất khó khăn song rất linh hoạt và thích ứng nhanh với hoàn cảnh để phục hồi và phát triển.
Nguyễn Đức Lệnh
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ