Hai chương trình với nội hàm nhiệm vụ và mục tiêu khác nhau, độc lập nhau song lại có mối liên hệ và tác động hỗ trợ để phát huy hiệu quả và sức lan tỏa. Trong đó, nếu thực hiện cải cách hành chính tốt, sẽ góp phần quan trọng để thực hành tiết kiệm chống lãng phí hiệu quả và thực hành tiết kiệm chống lãng phí thực hiện tốt, yêu cầu về cải cách hành chính phải không ngừng đổi mới và phát triển.
Mối liên hệ hệ quả này cần phải được đánh giá, nhìn nhận đầy đủ để không chỉ khai thác tốt nhằm phục vụ cho công tác quản lý và điều hành, mà còn tạo điều kiện để ngành Ngân hàng thực hiện tốt các chương trình mục tiêu gắn với 4 ý nghĩa quan trọng sau:
Thứ nhất, cải cách hành chính của ngành Ngân hàng nhằm tạo thuận lợi và mang lại lợi ích tối đa cho đối tượng quản lý là các tổ chức tín dụng, cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, việc giảm thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm bớt chi phí liên quan, góp phần trực tiếp giảm chi phí đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, qua đó gián tiếp giúp giảm chi phí đầu ra và giảm giá thành sản phẩm. Đây chính là động lực của cải cách hành chính, song lại là nội hàm và mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với ý nghĩa đó, cải cách hành chính trở thành phương tiện, giải pháp cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ hai, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí với nội dung quản lý và sử dụng hiệu quả tài chính, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước (đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp và ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước). Dù thực hiện và tuân thủ nguyên tắc tài chính kế toán theo quy định, theo hệ thống định mức và chỉ tiêu; theo dự toán và các quy định khác liên quan về tài chính kế toán; về đầu tư và xây dựng song việc cải cách hành chính trong lĩnh vực này của ngành Ngân hàng đã tạo điều kiện và mang lại kết quả rất lớn. Nhờ việc rút ngắn thời gian, chi phí; rút ngắn thời gian lập dự toán, lập kế hoạch và thực hiện dự án; cũng như khai thác sử dụng tài sản hiệu quả, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản góp phần giúp tăng hiệu quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ ba, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thông qua việc khoán kinh phí; định mức chi phí trong một số lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng, nhất là đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các NHTM nhà nước, cùng với cải cách hành chính đã tạo điều kiện minh bạch và công khai trong sử dụng nguồn kinh phí, đặc biệt tạo động lực thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi đơn vị, mỗi tổ chức và cá nhân.
Bắt đầu từ những việc làm nhỏ, đơn cử như tại một số đơn vị trong ngành Ngân hàng đã tổ chức thực hiện tốt việc khoán chi phí quản lý, chi phí văn phòng phẩm….. Việc này không những giúp đạt mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà còn mang lại lợi ích cho đơn vị được khoán và cá nhân thực hiện, tạo động lực và lan tỏa tích cực tinh thần lao động trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả và hình thành văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành.
Thứ tư, việc không ngừng đổi mới và ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, hoạt động nghiệp vụ của NHTW đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực tiễn chứng minh, nội dung cải cách hành chính trong thực hiện nhiệm vụ chính phủ điện tử, với các chương trình ứng dụng trong quản lý và công tác văn thư; trong thực hiện văn bản điện tử và phòng họp không giấy của NHTW thời gian qua đã giúp tiết giảm khá nhiều chi phí in ấn, đi lại, bưu điện, nhân công…. Trong đó, hệ thống quản lý văn bản, với phần mềm edoc và hệ thống thư điện tử từ trang web của NHNN Việt Nam đã phát huy tính hiệu quả cao.
Đơn cử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng và phòng giao dịch là trên 2.500 đơn vị. Do vậy, chỉ riêng việc tiết kiệm trong gửi văn bản và chỉ đạo, triển khai văn bản, triển khai cơ chế chính sách của NHTW đến các TCTD trên địa bàn không phải bằng hình thức thủ công như trước đây đã giúp tiết giảm nguồn kinh phí và nguồn nhân lực rất lớn. Nhờ cải cách hành chính và thực hiện chỉ đạo của NHTW, quá trình gửi văn bản đã và đang được tổ chức hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; qua sử dụng hiệu quả chương trình quản lý văn bản và khai thác trang Web của NHTW, gắn với đổi mới và sáng tạo để triển khai kịp thời cơ chế chính sách của NHTW, đưa chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.
Như vậy, cải cách hành chính hỗ trợ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành Ngân hàng hiệu quả và trở thành động lực của đổi mới, sáng tạo và phong trào thi đua lao động của toàn ngành. Đây là những ý nghĩa to lớn cần khai thác và tiếp tục phát huy, tổ chức thực hiện tốt 2 chương trình này cả ở trước mắt và về lâu dài.
Nguyễn Đức Lệnh
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ