Phát huy tối đa nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

02/06/2024 - 05:58
(Bankviet.com) Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 – 2030 vừa được ký kết chiều 1/6/2024.
Du lịch nông nghiệp, mở ra hướng mới cho tiêu thụ sản phẩm vùng nông thôn Du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn: Cần đi tìm "chìa khóa" chung

Theo đó, chiều ngày 1/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030.

Ký kết này mở ra chương mới trong hợp tác phát triển giữa Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT
Buổi Ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Ảnh: NA

Việc hai bên ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 – 2030 nhằm tăng cường phối hợp giữa hai Bộ để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng, miền.

Theo đó, ngành văn hoá và nông nghiệp sẽ ban hành các văn bản phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững. Thường xuyên trao đổi trực tiếp bằng văn bản, điện thoại hoặc phương tiện thông tin khác.

Đồng thời, tổ chức hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát hoặc kiểm tra liên ngành liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Triển khai các mô hình thí điểm, các giải pháp cụ thể liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và các hình thức phối hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Di lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thống nhất tăng cường công tác phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các địa phương phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đa dạng, chất lượng với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, khai thác lợi thế nổi bật của khu vực nông thôn về tiềm năng nông nghiệp, cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống. Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên khai thác liên kết chuỗi giá trị du lịch và nông nghiệp, đa dạng tính trải nghiệm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước, hình thành các tour, tuyến du lịch đưa khách về khu vực nông thôn.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam làm đầu mối, là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo 2 Bộ xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, triển khai thực hiện, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp này.

Hàng năm, theo nội dung ký kết, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện hai Bộ luân phiên chủ trì phối hợp với các đơn vị của 2 Bộ đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Chương trình, báo cáo lãnh đạo hai Bộ; hagng năm tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương