Phí tăng, quyền giảm: Tiểu thương "lao đao" trên sàn thương mại điện tử

20/04/2025 - 14:31
(Bankviet.com) Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử giúp hàng trăm nghìn tiểu thương vươn lên kinh doanh số. Nhưng khi các nền tảng lớn ngày càng chi phối mạnh, ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho lực lượng chiếm đa số này?
Thương mại điện tử

Phí tăng, quyền giảm: Tiểu thương "lao đao" trên sàn thương mại điện tử

Thanh Hằng 20/04/2025 14:11

Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử giúp hàng trăm nghìn tiểu thương vươn lên kinh doanh số. Nhưng khi các nền tảng lớn ngày càng chi phối mạnh, ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho lực lượng chiếm đa số này?

Từng được xem là “cánh cửa thần kỳ” cho hộ kinh doanh nhỏ, thương mại điện tử (TMĐT) nay lại đang bộc lộ những bất cập về sự bất bình đẳng giữa người bán nhỏ lẻ và các sàn TMĐT lớn.

tmdt4.jpeg
Phí tăng, quyền giảm: Tiểu thương số đang “lép vế” trên sàn điện tử

Từ đầu năm 2024, nhiều sàn TMĐT đồng loạt điều chỉnh mức phí dịch vụ, tăng gấp 2–3 lần so với trước. Dù các nền tảng khẳng định đây là điều cần thiết để tái đầu tư và nâng cấp dịch vụ, nhưng với khoảng 500.000 tiểu thương – chủ yếu là cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ – thì đó là “cú đấm tài chính” khó đỡ.

Trong khi người dùng internet ngày càng tin tưởng vào việc mua sắm qua sàn – với 61% chọn TMĐT là kênh mua sắm chính, theo Sách trắng TMĐT 2023 – thì người bán lại dần đánh mất quyền tự chủ. Họ không được thương lượng về mức phí, chính sách hiển thị sản phẩm, và thậm chí không được thông báo khi gian hàng bị khóa.

Bản thân các nền tảng cũng ngày một lớn mạnh nhờ sở hữu dữ liệu người dùng, thuật toán phân phối và quyền kiểm soát kênh bán hàng. Trong khi đó, tiểu thương không được tiếp cận dữ liệu kinh doanh để tối ưu sản phẩm hay điều chỉnh chiến lược. Điều này tạo ra thế "một bên nắm đằng chuôi, một bên chịu trận".

Một điểm đáng lo là pháp luật hiện hành mới chỉ chú trọng bảo vệ người tiêu dùng, trong khi chưa có cơ chế rõ ràng để bảo vệ người bán – đặc biệt là tiểu thương. Mặc dù Luật Cạnh tranh năm 2020 có đề cập đến hành vi hạn chế cạnh tranh, nhưng rất khó để áp dụng trong bối cảnh giao dịch TMĐT không có thỏa thuận cụ thể.

Không ít tiểu thương phản ánh việc bị áp chính sách thay đổi đột ngột, bị khóa tài khoản bán hàng mà không nhận được thông báo hay lý do rõ ràng. Thực tế này cho thấy quyền lợi người bán đang đứng trước nhiều rủi ro trong hệ sinh thái TMĐT mà họ vốn là lực lượng nòng cốt.

tmdt3.png
Luật TMĐT mới: Hy vọng cho tiểu thương số

Theo nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, 46% doanh nghiệp từng gặp rắc rối khi bán hàng trên nền tảng số. Trong đó, những đơn vị có doanh thu phụ thuộc quá 50% vào sàn thường chịu thiệt hơn. Với Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng các dấu hiệu cảnh báo đang ngày càng rõ rệt.

Trước tình trạng bất cân xứng quyền lực giữa sàn TMĐT và người bán, Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Luật TMĐT mới – kỳ vọng được thông qua vào tháng 10/2025. Dự thảo luật sẽ hướng tới bảo vệ quyền lợi của tiểu thương, đảm bảo họ không bị thiệt thòi khi tham gia vào môi trường số.

Theo đề xuất của VCCI, chính sách nên tập trung vào ba điểm then chốt:

Tăng minh bạch thông tin: Bao gồm chi phí, thuật toán phân phối, quyền hiển thị sản phẩm.

Mở rộng quyền tiếp cận dữ liệu: Cho phép người bán phân tích hiệu quả gian hàng, hành vi người mua.

Thiết lập quyền thương lượng: Người bán cần có tiếng nói trong các điều khoản hợp tác thay vì “ngậm đắng nuốt cay”.

Khi lực lượng tiểu thương được bảo vệ đúng mức, thị trường TMĐT sẽ phát triển công bằng hơn, thúc đẩy khởi nghiệp và giúp kinh tế số lan tỏa đến mọi tầng lớp. Nếu không có rào cản pháp lý rõ ràng, “sân chơi” TMĐT rất dễ trở thành nơi chỉ dành cho kẻ mạnh.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán